Bảo quản, lưu giữ dàn xe sang của Mr Pips như thế nào?
(Dân trí) - Theo luật sư, việc bảo quản, lưu giữ xe sẽ được thực hiện tại các kho bãi của cơ quan tiến hành tố tụng. Chi phí trông giữ, bảo quản trích từ ngân sách Nhà nước.
Liên quan tới vụ án Phó Đức Nam (tức Mr Pips, 30 tuổi) cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng chục triệu USD, cơ quan công an đã tạm giữ nhiều tài sản của đối tượng này, trong đó có dàn xe sang trị giá hàng trăm tỷ đồng với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Rolls-Royce, Lamborghini, Porsche hay Mercedes...
Đối với những phương tiện trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc trong thời gian vụ án được giải quyết, dàn xe sang này sẽ được lưu giữ, bảo quản như thế nào? Và ai sẽ phải chịu chi phí lưu giữ đối với những phương tiện này?.
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo quy định pháp luật, vật chứng được hiểu là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vật chứng là nguồn chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự; là tài sản gắn liền với các quyền về tài sản của cá nhân, pháp nhân. Vì vậy, pháp luật quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong quá trình điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền thu giữ, niêm phong, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản, đồ vật, tài liệu trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ. Việc thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu được quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị định số 18/2002/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BQP của liên ngành trung ương và Thông tư số 58/2017/TT-BCA của Bộ Công an.
Theo đó, cơ quan điều tra có thẩm quyền thu thập vật chứng. Tùy từng loại, vật chứng sẽ được bảo quản tại kho vật chứng hoặc tại cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan chuyên trách, giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của đồ vật, tài sản hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng cần bảo quản.
"Những năm qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, có xu hướng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vật chứng chủ yếu trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tiền, vàng, kim khí quý, đá quý có giá trị lớn; hàng tiêu dùng; máy móc, thiết bị điện tử hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Công tác bảo quản và xử lý vật chứng vì thế luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Số lượng vật chứng trong các vụ án là tương đối lớn, trong khi các kho vật chứng luôn trong tình trạng quá tải mà chưa có phương án xử lý nhanh chóng và kịp thời. Do đó, tùy từng địa phương, có đơn vị phải thuê kho, bãi để bảo quản vật chứng, tài sản cồng kềnh, số lượng lớn. Nguồn tiền được trích từ kinh phí, ngân sách nhà nước tùy địa phương và vật chứng", luật sư Hùng cho biết.
Như vậy, đối với trường hợp dàn xe sang của Phó Đức Nam, các phương tiện này sẽ được lưu giữ, bảo quản tại kho bãi của cơ quan công an. Nguồn tiền cho việc thuê kho bãi, bảo quản, lưu giữ phương tiện được trích ra từ ngân sách Nhà nước.
Bình luận thêm về vấn đề trên, luật sư Hùng chỉ ra hiện trạng rằng hiện nay, việc điều tra các vụ án thường phải kéo dài, có những vụ án phức tạp thậm chí diễn ra nhiều năm khiến cho chi phí bến bãi, kho chứa hàng, kho bảo quản bị đội lên rất cao; đồng thời khiến vật chứng bị hư hỏng, xuống cấp, hết thời hạn sử dụng và mất giá trị. Sau khi kết thúc giai đoạn tố tụng, số tiền thu về từ việc bán hoặc tiêu hủy vật chứng không tương xứng với tiền thuê địa điểm, quản lý, trông giữ, dẫn tới lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Do đó, cần xem xét những phương án khác nhằm bảo quản đồ vật trong các vụ án hình sự nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, tránh lãng phí cho ngân sách Nhà nước cũng như đảm bảo giá trị của tài sản trong thời gian vụ án được giải quyết.
Về nguyên tắc xử lý vật chứng vụ án hình sự, căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP, việc xử lý được quy định như sau:
Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do chánh án tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do HĐXX quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.
Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy còn là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy.
Đối với các vụ án được ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ án (trong đó có vật chứng) cho VKS có thẩm quyền; đối với các vật chứng đang được bảo quản tại kho vật chứng thì các kho vật chứng tiếp tục bảo quản vật chứng trong giai đoạn truy tố. Kết thúc giai đoạn truy tố, nếu VKS quyết định truy tố bị can thì vật chứng sẽ được chuyển đến kho vật chứng của cơ quan Thi hành án dân sự để phục vụ quá trình xét xử, thi hành án.
Đối với các vụ án được đưa ra xét xử, HĐXX có thẩm quyền quyết định xử lý vật chứng. Đối với vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; nếu không bán được thì tiêu hủy. Sau khi bán vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản, số tiền thu được phải chuyển đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc nhà nước để quản lý.