Cụ ông ở Hà Nội gian truân hơn 2 thập kỷ đi đề nghị cấp sổ đỏ

Hoàng Dũng

(Dân trí) - Một cụ ông 94 tuổi ở Hà Nội đã gian truân hơn 2 thập kỷ đi đến các cấp chính quyền để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất ao 486m2 do bố mẹ để lại, nhưng vẫn bị trả hồ sơ.

Tòa án tuyên hủy văn bản của 3 cấp chính quyền Hà Nội

Theo đơn phản ánh của ông Trịnh Đình Tần (94 tuổi, ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội), năm 1940 bố mẹ ông mua thửa đất ao số 746, tờ bản đồ số 02, bản đồ 299 có diện tích 486m2 tại thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (có giấy tờ mua bán).

Trước khi chết, bố mẹ ông Tần đã cho lại ông Tần thửa đất ao trên để sử dụng.

Năm 2004, ông Tần nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất ao trên, nhưng không được chấp nhận.

Ngày 7/11/2007, UBND xã Thanh Lâm ban hành thông báo số 132, giao cho trưởng thôn Yên Vinh quản lý thửa đất ao nói trên. Ông Tần không đồng ý và đã khiếu nại lên cơ quan cấp trên, sau đó UBND huyện Mê Linh và UBND TP Hà Nội nhất trí với giải quyết của UBND xã Thanh Lâm, đều xác định ao của gia đình ông Tần là đất công.

Thời điểm đó, gia đình bà Nguyễn Thị Còm (cùng thôn), cũng đề nghị công nhận quyền sử dụng thửa đất ao này. Cũng tại văn bản 132 nêu trên, UBND xã Thanh Lâm trả lời không có căn cứ xác định thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của nhà bà Còm. Nhà bà Còm đồng ý với giải quyết của chính quyền, không có khiếu kiện.

Cụ ông ở Hà Nội gian truân hơn 2 thập kỷ đi đề nghị cấp sổ đỏ - 1

Ông Trịnh Đình Tần tỏ ra mệt mỏi sau nhiều năm đi đề nghị được cấp sổ đỏ cho thửa đất ao do bố mẹ ông để lại (Ảnh: N.D.).

Trải qua hơn 10 năm khiếu kiện gian truân, ngày 30/9/2020, TAND TP Hà Nội ban hành bản án số 288 (đã có hiệu lực pháp luật) xét xử vụ việc.

Nội dung bản án có đoạn: "Tuyên hủy tất cả các văn bản/quyết định hành chính của UBND xã Thanh Lâm, UBND huyện Mê Linh, UBND TP Hà Nội. Về phần bà Còm và các con, mặc dù họ có lời khai thửa đất ao trên có nguồn gốc là của gia đình, nhưng không đưa ra được các tài liệu, chứng minh và đã đồng ý với kết quả giải quyết của chính quyền địa phương, xác định thửa đất trên là đất công nên tòa không có cơ sở xem xét yêu cầu của bà Còm.

Tòa nhận định, đối với yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất thửa đất ao nói trên của gia đình ông Tần là có căn cứ. Ông Tần có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật…".

Với bản án cùng các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (bản đồ, sổ mục kê, sổ thuế), ngày 6/1/2023, ông Tần nộp lại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất nêu trên. Và từ đây lại là những trắc trở không tưởng mới ông Tần phải đối mặt, mà xuất phát vẫn là từ văn bản của UBND xã Thanh Lâm.

Qua 1 năm 4 tháng giải quyết, UBND xã Thanh Lâm 5 lần ban hành văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Mê Linh (CN huyện Mê Linh).

Theo gia đình ông Tần, mỗi lần xã Thanh Lâm lại đưa ra một số kiến nghị, yêu cầu ông Tần hoàn thiện giấy tờ, thực hiện các công việc, như: Kiến nghị CN huyện Mê Linh đối soát bản đồ, thông báo việc trong quá trình kiểm tra hồ sơ liên quan đến thửa đất 746, xã đồng thời nhận được đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ và kiến nghị của hộ bà Còm; đề nghị ông Tần liên hệ với CN huyện Mê Linh để trích đo thửa đất; đề nghị ông Tần đo vẽ lại thửa đất và kiến nghị CN huyện Mê Linh kiểm tra tính pháp lý, chứng chỉ hành nghề của đơn vị ông Tần mời đo vẽ…

Cũng theo phản ánh của gia đình ông Tần, lần gần nhất nộp lại hồ sơ, UBND xã Thanh Lâm tổ chức cuộc họp lấy phiếu ý kiến khu dân cư về nguồn gốc, thời gian sử dụng thửa đất ao nói trên. Văn bản buổi lấy ý kiến khu dân cư có nội dung, thửa đất ao trên đang tranh chấp với nhà bà Còm. Bởi vậy, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Tần lại bị trả về.

Tiếp tục bị trả hồ sơ

Liên quan đến nội dung trên, bà Hoàng Thị Bích, Phó Giám đốc CN huyện Mê Linh cho biết: "Xác nhận của chính quyền xã Thanh Lâm là thửa đất ao 746 của gia đình ông Tần đang có tranh chấp với hộ gia đình bà Còm. Do đó, hồ sơ của ông Tần lại bị trả về. Khi chính quyền xã xử lý xong vấn đề này, thì đơn vị sẽ tiếp nhận hồ sơ để xét duyệt và cấp quyền sử dụng thửa đất ao nói trên cho công dân".

Tiếp đến, ông Trịnh Minh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm đã ủy quyền cho công chức địa chính xã tên Lưu Văn Bình trao đổi với phóng viên về sự việc trên.

Cụ ông ở Hà Nội gian truân hơn 2 thập kỷ đi đề nghị cấp sổ đỏ - 2

Thửa đất ao gia đình ông Tần đang đi đề nghị được cấp sổ đỏ (Ảnh: N.D.).

Ông Bình giải thích, để đủ cơ sở cấp GCNQSDĐ cần 3 yếu tố, gồm: giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất; phù hợp quy hoạch; sử dụng ổn định lâu dài liên tục, không tranh chấp. Tại thửa đất ao nói trên, gia đình ông Tần không sử dụng lâu dài liên tục, các giấy tờ chưa đảm bảo theo quy định, do đó chưa đủ căn cứ để làm hồ sơ cấp quyền sử dụng đất.

"Chính quyền xã không đủ thẩm quyền để phán quyết thửa đất ao đó là của ai. Việc này gia đình cần làm đơn đến UBND huyện Mê Linh hoặc khởi kiện ra tòa án dân sự địa phương. Hiện nay đơn của ông Tần đã được cơ quan thanh tra xem xét giải quyết", ông Bình giải thích.

Tuy nhiên, gia đình ông Tần phản ánh, nội dung trả lời trên của ông Bình không thể hiện bằng văn bản hoặc chỉ ra căn cứ/hướng dẫn cụ thể nào để ông Tần dựa vào đó mà gửi đơn ra tòa hoặc làm việc với các cấp có thẩm quyền.

Trao đổi về tính pháp lý vụ việc trên, luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết: Cách giải quyết hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Tần của UBND xã Thanh Lâm cho thấy rất nhiều điểm bất cập, trái pháp luật, như:

Bà Còm có đơn xin cấp GCNQSDĐ, nhưng không có tài liệu chứng minh, các văn bản của 3 cấp chính quyền và tòa án đều nhận định không có cơ sở xác định thửa đất ao trên thuộc quyền sử dụng của nhà bà Còm. Khi ông Tần nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, không có cơ quan thẩm quyền nào thụ lý tranh chấp liên quan đến thửa đất.

Cũng theo luật sư Thu, thửa đất có nguồn gốc rõ ràng, tòa án đã nhận định yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất thửa đất ao nói trên của gia đình ông Tần là có căn cứ. Tuy nhiên, UBND xã Thanh Lâm vẫn tổ chức họp lấy ý kiến khu dân cư, thành phần họp không đúng, nội dung họp không đầy đủ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, còn mời cả bà Còm tham gia họp, lấy ý kiến là không đảm bảo khách quan.

Vị luật sư phân tích tiếp, khi tiếp nhận hồ sơ, UBND xã Thanh Lâm không thực hiện trách nhiệm xác minh hiện trạng đất theo quy định tại điểm a1 khoản 2 Điều 12 Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, mà xác minh lại nguồn gốc, quá trình sử dụng đất - những nội dung đã được tòa án đã xác minh, làm rõ.

"Chính quyền xã không tập trung kiến nghị, hướng dẫn công dân đầy đủ, rõ ràng, chính xác một lần mà nhiều lần ban hành văn bản kiến nghị, yêu cầu rải rác là không thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 20 Nghị định 63/2010/NĐ-CP, là không để công dân phải đi lại bổ sung hồ sơ quá hai lần cho một vụ việc", vị luật sư nêu quan điểm.