Vấn đề pháp lý từ vụ thiếu niên nghi cướp tài sản, hiếp dâm phụ nữ 60 tuổi

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo quy định, do Cướp tài sản và Hiếp dâm là các tội phạm rất nghiêm trọng, người thực hiện hành vi dù 14 tuổi nhưng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như Dân trí thông tin, Công an huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, đang tạm giữ N.H.M. (SN 2010, người địa phương) để điều tra hành vi cướp tài sản và hiếp dâm. 

Theo công an, chiều tối 26/10, bà H. (60 tuổi, ở huyện Bàu Bàng) lái xe máy trên đoạn đường đất cao su thuộc xã Lai Hưng thì bị M. tiếp cận, ép dừng xe và chiếm đoạt số tiền 100.000 đồng. Sau đó, thiếu niên này bắt bà H. đi vào lô cao su và ép buộc quan hệ tình dục trái ý muốn. Thực hiện xong hành vi đồi bại, nghi phạm quay lại và chiếm đoạt điện thoại của bà H. 

Với diễn biến hành vi trên, nhiều độc giả thắc mắc M. có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật bởi hành vi so với độ tuổi của M thực sự đáng lo ngại. 

Người dưới 16 tuổi có thể bị xử lý về những tội nào? 

Theo khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 tuổi tới dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật này như tội Giết người (Điều 123), Cố ý gây thương tích (Điều 134), Hiếp dâm (Điều 141), Cướp tài sản (Điều 168) hay Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170)...

Theo Điều 9 Bộ luật này quy định về phân loại tội phạm, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm tới 15 năm tù, còn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên. 

Đối với tội Hiếp dâm, khung hình phạt cơ bản đối với tội danh này là 2-7 năm tù. Trường hợp thuộc các tình tiết định khung khác quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên tới tù chung thân. 

Đối với tội Cướp tài sản, khung hình phạt cơ bản là phạt tù 3-10 năm trong khi khung hình phạt cao nhất theo quy định có thể là phạt tù chung thân. 

Như vậy, tội Hiếp dâm và tội Cướp tài sản đều thuộc nhóm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Do đó, người thực hiện hành vi nếu từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội danh trên theo quy định của pháp luật. 

Vấn đề pháp lý từ vụ thiếu niên nghi cướp tài sản, hiếp dâm phụ nữ 60 tuổi - 1

M. tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Đối chiếu với sự việc xảy ra tại Bình Dương, theo thông tin hiện có, M. sinh năm 2010. Do đó, điều đầu tiên cần làm rõ là thiếu niên này đã đủ 14 tuổi hay chưa. Trong trường hợp đã đủ 14 tuổi, có đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của người này về các tội Cướp tài sản và Hiếp dâm. 

Đối với tội Cướp tài sản, cơ quan chức năng sẽ tiến hành định giá tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Trường hợp giá trị tài sản dưới 50 triệu đồng và không thuộc các tình tiết định khung như sử dụng vũ khí, gây thương tích cho nạn nhân từ 11% trở lên hay phạm tội đối với người già yếu..., khung hình phạt áp dụng sẽ là 3-10 năm tù. 

Đối với tội Hiếp dâm, khung hình phạt có thể áp dụng là 2-7 năm tù nếu không thuộc các tình tiết định khung như làm nạn nhân có thai, gây thương tích cho nạn nhân từ 31% trở lên hay gây rối loạn tâm thần, hành vi của nạn nhân từ 11% trở lên...

Áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ ra sao?

Về tình tiết nạn nhân năm nay đã 60 tuổi và căn cứ xem xét áp dụng tình tiết định khung phạm tội đối với người già yếu, pháp luật hiện hành mới có văn bản hướng dẫn về các khái niệm "người cao tuổi", "người già" và "người quá già yếu" mà vô tình "bỏ quên", chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng khái niệm "người già yếu" trong các vụ án hình sự. 

Cụ thể, Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 quy định "người cao tuổi" là công dân ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Còn theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP và số 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, "người già" là người từ đủ 70 tuổi trở lên còn "người quá già yếu" là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.

Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về khái niệm "người già yếu", do đó đây vẫn là một tình tiết định khung mang tính định tính cao. Để xác định một người có phải người già yếu hay người quá già yếu hay không, có 2 vấn đề cần đặc biệt quan tâm là độ tuổi của nạn nhân và tình trạng sức khỏe của người này. 

Về vấn đề thứ nhất, cần xác định nạn nhân đã đủ 60 tuổi hay chưa còn với vấn đề thứ hai, cần đánh giá tình trạng sức khỏe của bà H. có thuộc nhóm thường xuyên đau ốm, cần người chăm sóc thường xuyên hay không. Đây sẽ là căn cứ xem xét áp dụng tình tiết định khung trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người phạm tội có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng nếu phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người từ đủ 70 tuổi trở lên. Do đó, trong trường hợp này, nếu bà H. không thuộc nhóm người già yếu, M. sẽ không bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tăng nặng trách nhiệm nếu bị xử lý hình sự. 

Về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có mức phạt tù là tù có thời hạn, khung hình phạt cao nhất được áp dụng sẽ không có 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. 

Do đó, nếu bị xử lý hình sự về các tội Cướp tài sản và Hiếp dâm, mức phạt tù cao nhất có thể áp dụng đối với M. về các tội danh này có thể lần lượt là 5 năm và 3 năm 6 tháng tù.