Xe khách chèn ép xe tải trên cao tốc: Có thể xem xét trách nhiệm hình sự?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của tài xế xe khách là rất nguy hiểm, coi thường an toàn tính mạng, tài sản của người khác và có dấu hiệu cấu thành hành vi Gây rối trật tự công cộng.

Như Dân trí thông tin, trưa 19/10, một xe tải đang lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc) bất ngờ bị một xe khách 16 chỗ vượt lên, chèn ép vào làn khẩn cấp. Dù xe tải cố gắng tránh lái để thoát ra ngoài nhưng xe khách vẫn không nhường đường. 

Thậm chí, tài xế xe khách còn phanh gấp, tạt đầu để chặn đường và buộc tài xế xe tải phải dừng lại. Sự việc được camera hành trình của phương tiện đi sau ghi lại và được chủ phương tiện đăng tải lên mạng xã hội. 

Trên thực tế, không ít trường hợp vì xung đột giao thông, các tài xế sẵn sàng chèn ép nhau, gây mất an toàn giao thông trên đường và đã có những trường hợp bị khởi tố. Vậy trong trường hợp này, có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự hay không?. 

Xe khách chèn ép xe tải trên cao tốc: Có thể xem xét trách nhiệm hình sự? - 1

Hình ảnh ghi lại cảnh xe khách chèn ép xe tải trên cao tốc (Ảnh cắt từ clip).

Theo dõi sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận đây là hành vi nguy hiểm, đáng lên án, xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Từ nội dung đăng tải trên mạng xã hội, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh và xem xét áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đối với tài xế có dấu hiệu vi phạm. 

Trên thực tế, đã có những trường hợp tài xế chèn ép nhau trên đường bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Đối chiếu với trường hợp này, luật sư cho rằng để có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hay không, cơ quan công an cần làm rõ một số một số yếu tố như sau: 

Về mặt chủ thể, cần làm rõ tài xế có phải là người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi dân sự hay không. 

Về mặt khách thể, cần xác định hành vi chèn ép xe tải trên cao tốc như vậy đã đủ cơ sở để được coi là hành vi xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, các quy tắc đi lại ở nơi công cộng hay chưa. 

Về mặt chủ quan, cần làm rõ hành vi chèn ép xe có phải lỗi cố ý hay không. 

Về mặt khách quan, tài liệu hiện có cho thấy tài xế xe khách đã liên tục chèn ép ô tô tải vào làn đường khẩn cấp, mặc dù ô tô tải có cố gắng né tránh nhưng tài xế xe khách 16 chỗ vẫn tiếp tục phanh gấp để buộc xe ô tô tải phải dừng lại. Cần củng cố thêm tài liệu, hồ sơ để xác định đây là hành vi khách quan gây mất trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hay chưa. 

"Xét trên góc độ pháp lý, hành vi chèn ép xe ô tô tải, đặc biệt tại đoạn đường có tốc độ cao như trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai của tài xế xe khách là hành vi rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên cao tốc, an toàn xã hội, có nguy cơ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của tài xế xe ô tô tải và các phương tiện di chuyển cùng chiều và có dấu hiệu cấu thành hành vi Gây rối trật tự công cộng", ông Hùng nhấn mạnh. 

Trong trường hợp bị kết luận có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng chưa tới mức xử lý hình sự, tài xế có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 5-8 triệu đồng. Trường hợp hành vi được xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt tối đa có thể áp dụng lên tới 7 năm tù. 

Liên quan tới hành vi chèn ép xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hồi tháng 9/2023, tài xế Lê Hữu C. (SN 1975) và Chu Việt C. (SN 1983, ở Phú Thọ) từng bị Công an huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Tài xế Chu Việt C. là người điều khiển xe đầu kéo bị một xe con vượt phải, tạt đầu trên cao tốc ngày 16/8/2023. Sau đó, người này đã gọi cho tài xế Lê Hữu C. điều khiển xe đầu kéo hỗ trợ cùng ép, dừng ô tô con trên cao tốc để nói chuyện. Việc chèn ép diễn ra trên đoạn đường khoảng 300 - 400m và bị camera hành trình ghi lại.