Từ vụ Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm tội danh: Tội loạn luân bị xử lý thế nào?
(Dân trí) - Loạn luân là một hành vi vô đạo đức, là điều cấm kỵ nhất đối với loài người. Loạn luân còn có thể gây ảnh hưởng đến nòi giống, người nào thực hiện hành vi này đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như đã đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (SN 1932), ngụ ấp lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa để điều tra làm rõ về hành vi Loạn luân.
Trước đó, qua nguồn tin tố giác có dấu hiệu tội phạm loạn luân xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai ở huyện Đức Hòa, công an đã vào cuộc điều tra. Đến nay, Công an tỉnh Long An đã có đủ chứng cứ xác định Lê Tùng Vân quan hệ loạn luân với con ruột sống trong hộ bà Cao Thị Cúc, ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa.
Công an tỉnh Long An đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Loạn luân dưới góc nhìn pháp lý
Dưới góc độ khoa học, theo Bác sĩ Trần Văn Phúc thì nói tới loạn luân, chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng đó là bản năng động vật. Nhà triết học cổ đại Plato cũng đã từng quan niệm như vậy. Nhưng nếu động vật biết cãi thì đó là lời nói nhảm. Không hề có. Thế giới động vật không có xu hướng loạn luân, mà ngược lại, chúng đã rất nỗ lực để ngăn chặn loạn luân.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia lên án gay gắt hành vi loạn luân. Loạn luân không chỉ gây ảnh hưởng về mặt sinh học của con người cho các thế hệ về sau, mà nó còn là một hành vi trái với luân thường đạo lý được hình thành trong xã hội.
Chính vì thế người có hành vi loạn luân thường sẽ bị xử phạt rất nặng về hành vi vi phạm của họ. Và theo lịch sử cho thấy tội loạn luân thường sẽ bị xử phạt gắn liền với hình thức phạt tù.
Theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, loạn luân là hành vi của một người giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Trong đó, những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Tội loạn luân là tội được xem là nghiêm trọng trong khung hình sự tại Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tội loạn luân là tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thay vì các tội khác sẽ có quá trình xử phạt vi phạm hành chính rồi mới đến các bước nguy trọng chuyển hóa sang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các yếu tố cấu thành tội loạn luân theo Bộ luật hình sự
Các yếu tố cấu thành tội loạn luân theo Bộ luật hình sự được quy định rải rác ở rất nhiều điều luật khác nhau. Chính vì thế các yếu tố cấu thành tội phạm của mỗi một điều luật có hành vi loạn luân cũng rất đa dạng.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định về một số tình tiết định khung như sau:
"1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
b) Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể".
Loạn luân bị xử lý thế nào?
Tùy từng trường hợp mà người có hành vi loạn luân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau:
(1) Tội loạn luân (Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
(2) Tội hiếp dâm (Khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
(3) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
- Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
(4) Tội cưỡng dâm (Khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
(5) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
(6) Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật Hình sự và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Hiện nay, không có văn bản hướng dẫn định tội đối với hành vi loạn luân, tuy nhiên có thể tham khảo tinh thần tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999, cụ thể:
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên.
- Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 115 Bộ luật Hình sự 1999).
- Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe đọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 111 Bộ luật Hình sự 1999) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999);
- Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 113 BLHS) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 114 Bộ luật Hình sự 1999);
- Trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999).