Từ vụ bé 8 tuổi bị bạo hành: Người nuôi dưỡng cản trở gặp con, xử lý sao?
(Dân trí) - Người mẹ của bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành không được gặp con trong một thời gian dài. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Trung đã nêu những giải pháp để xử lý.
Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc tới Dân trí với nội dung, phải làm sao nếu sau ly hôn người đang trực tiếp nuôi con không cho vợ/chồng cũ thăm con? Nếu bị cản trở nhiều lần thì có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con không?
Luật sư Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: "Trên thực tế có nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn vẫn giữ mối quan hệ với nhau rất tốt đẹp, nhất là trong vấn đề trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
Tuy nhiên, theo Luật sư Trung, cũng có rất nhiều người không có được may mắn đó, một bên cha mẹ sau khi thỏa thuận hoặc được tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con thì cản trở người còn lại thực hiện quyền thăm nom con.
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở".
Theo đó, việc đến thăm nom con không chỉ là quyền, mà theo luật sư Nguyễn Thành Trung, đó còn là nghĩa vụ được pháp luật ghi nhận.
Đối với câu hỏi của bạn đọc, luật sư Trung cho biết, trước hết bên bị cản trở nên gặp người đang trực tiếp nuôi con và gia đình của người này để yêu cầu đảm bảo quyền thăm nom con của mình.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó (Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Nếu bên nuôi con không hợp tác hay ngăn cản quá nhiều lần quyền thăm nuôi của người kia, thì theo Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, có thể chọn các biện pháp xử lý sau đây để đảm bảo quyền được thăm nom con của mình:
Trước tiên, cần yêu cầu xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau (Điều 56 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
Người không nuôi con trực tiếp có thể yêu cầu thi hành án đối với bản án/quyết định ly hôn. Theo đó, người không trực tiếp nuôi con có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án/quyết định ly hôn của tòa án.
Bước tiếp theo, người không nuôi con trực tiếp có quyền Khởi kiện ra Tòa án yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Cụ thể, để có cơ sở khởi kiện, cha mẹ không trực tiếp nuôi con cần thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh việc cha, mẹ trực tiếp nuôi con hoặc/cùng các thành viên gia đình có hành vi cản trở trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Để thu thập được các chứng cứ này thì theo ý kiến luật sư, có thể làm việc với tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn hoặc làm đơn trình bày với công an xã phường nơi cha, mẹ trực tiếp nuôi con hoặc/cùng các thành viên gia đình đang cư trú để họ làm chứng và xác nhận việc đến thăm nom con nhưng bị cản trở, gây khó khăn.
Ngoài ra, cũng có thể yêu cầu cơ quan thừa phát lại lập vi bằng trong các lần đến thăm nom con nhưng bị cản trở.