Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Sau ly hôn, đừng cam chịu khi bị cấm thăm con!

Khả Vân

(Dân trí) - Các luật sư khẳng định, hành vi của người bố cấm mẹ bé V.A. thăm con là vi phạm pháp luật bởi sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo nội dung đơn tố cáo của chị N.T.H (mẹ bé V.A.) gửi đến Viện KSND và Công an Tp. Hồ Chí Minh, sau khi ly hôn, ông N.K.Tr.T. (bố bé V.A.) đưa bé V.A. cùng Nguyễn Võ Quỳnh Trang dọn về sống chung với nhau tại chung cư S.G.P.

Sau hơn một năm ly hôn, chị H. không thường xuyên được gặp con gái và bị cấm cản. Tính đến thời điểm hiện tại, dù đã hơn một năm nhưng chị H. chỉ được gặp con 2-3 lần, lần cuối cùng là khoảng tháng 12/2020.

"Do ông T. ngăn cản không cho tôi gặp cháu V.A. nên tôi không hiểu, không biết trong suốt một năm cháu V.A. sống như thế nào, ra sao… chỉ biết lúc cháu chết là bác sĩ nói do bị phù nề phổi, có nhiều vết thương bầm tím. Sau khi lo hậu sự cho cháu, tôi có tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cháu, lý do tại sao con tôi chết mà trên cơ thể có nhiều vết bầm tím", chị H. nêu rõ trong đơn.

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Sau ly hôn, đừng cam chịu khi bị cấm thăm con! - 1

Đối tượng Trang tại căn hộ xảy ra vụ việc (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).

Với thông tin này, Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị khẳng định, hành vi cấm mẹ bé V.A. thăm con của bố bé là vi phạm pháp luật bởi sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên.

Theo khoản 2, điều 83 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 ghi nhận: 2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Bất kỳ người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính, cụ thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo quy định người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Khi bị ngăn cản quyền thăm con mà không thể thỏa thuận giải quyết được thì người có quyền thăm con có thể khởi kiện yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con. Trường hợp có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật HNGĐ.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến- Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ: Người mẹ khi bị ngăn cấm không cho gặp con, có quyền đưa đơn lên tòa yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, hãy biết đấu tranh và bảo vệ con mình bằng những kiến thức pháp luật, tôi không muốn những đứa trẻ khác phải chết vì bị đánh đập nữa!

Với người dân, nếu mọi nghi ngờ trẻ em bị bạo hành - đừng im lặng, hãy gọi 111 và báo cảnh sát khu vực để nói "tôi đã lưu lại ngày giờ tôi báo anh/chị, nếu anh không xử, có việc gì anh chịu trách nhiệm".

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Sau ly hôn, đừng cam chịu khi bị cấm thăm con! - 2

Công việc bé gái 8 tuổi T.T.V.A được mẹ kế giao làm trong ngày. (Ảnh chụp lại màn hình).

Luật sư Lực chia sẻ thêm, trách nhiệm pháp lý của bị can Trang đã khá rõ nhưng trong vụ việc này cần đánh giá, làm rõ trách nhiệm, vai trò của cha ruột bé V.A. Trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành lấy lời khai của bị can Trang và cha ruột bé để xác định vai trò cụ thể của từng người trong vụ việc bạo hành, gây thương tích cho cháu.

Nếu người cha có dấu hiệu thông đồng, giúp sức, tiếp tay cho Trang thực hiện hành vi của mình, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương tự với vai trò giúp sức tích cực cho bị can. Cụ thể là theo điểm a, Khoản 2, Điều 140 Bộ luật này, với tình tiết định khung hành hạ người dưới 16 tuổi, người phạm tội sẽ đối diện mức án tối đa là 3 năm tù.

Trường hợp có căn cứ xác định người này phát hiện hành vi phạm tội của Trang, thấy cháu nhỏ đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm, theo Khoản 2 Điều này, người đó sẽ đối diện khung hình phạt 1-5 năm tù.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm