Dì ghẻ bạo hành bé gái 8 tuổi có phải là hệ lụy của sống thử?
(Dân trí) - "Chúng ta là con người, không thể xem nhau như một món hàng điện máy, có thể đổi trả nếu thấy không hợp. Hãy là một người trẻ có trách nhiệm trong mọi thứ, kể cả tình cảm".
Một chuyên gia giáo dục nổi tiếng bỗng gây tranh luận gay gắt trên mạng xã hội khi nêu quan điểm về vụ việc bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành dẫn đến tử vong. Nội dung bài viết như sau:
"Trong cơn cuồng nộ của xã hội đòi tử hình "dì ghẻ", tôi chợt thấy thương lẫn trách cha mẹ của cô ấy. Cô sinh năm 95 bằng tuổi con trai lớn của tôi. Ở tuổi này làm gì đã biết dạy con mà lại phải nuôi dạy đứa bé không phải là con ruột mình? Chính vì áp lực ấy cô lúc nào cũng như lên cơn điên với em bé. Khi hành xử trong cơn điên người ta không thể kiểm soát được hành vi. Cô "dì ghẻ" không hề nghĩ mình đang làm sai mà chỉ vì cô ấy thiếu kỹ năng giáo dục trẻ và đang nghĩ mình làm đúng.
Cô cũng giống như nhiều cha mẹ ruột khác từng cho rằng phải đánh trẻ thì mới dạy được con. Trong lúc đánh bé cô như một con thú. Đây là trạng thái mất kiểm soát của nhiều người lớn khi đánh con mình.
Tôi nhiều lần chứng kiến những ông bố vác dao, gậy, thắt lưng rượt theo đánh con. Có lần đứa bé chạy vào trường để trốn cha vì nhà học sinh tôi gần trường. Ông bố rượt theo và bị bảo vệ cản vì lúc ấy ông sẵn sàng giết con mình. Tôi thấy tiếc cho cuộc đời một cô gái xinh đẹp nhưng thiếu kiểm soát hành vi bản thân.
Hồi xưa còn trẻ khi chưa cưới, ông chồng tôi bây giờ rất hay chở tôi về nhà em gái, nhà cậu mợ chơi. Vì chưa đám cưới nên ăn cơm xong tôi chỉ phụ dọn chứ không rửa bát. Sau này cưới xong tôi mới phụ rửa bát. Được giáo dục rằng làm con gái phải cưới hỏi tử tế mới đến nhà trai làm dâu.
Vì thế khi thấy cô "dì ghẻ" chưa cưới mà phải làm vợ làm mẹ tôi thấy vấn đề còn nằm ở giáo dục của gia đình cô. Giá như mẹ ruột cô ấy đến nhà con gái chơi thường xuyên để ngăn cản hoặc hướng dẫn con gái mình cách nuôi con người. Giá như bố cô ấy giữ gìn nhân phẩm con gái để không cho con dính líu với gã có vợ con rồi ở chung mà chưa cưới. Giá như cô gái ấy trân trọng bản thân mình để lựa chọn một cuộc đời tử tế và chỉ phải nuôi dạy chính con mình trong hạnh phúc. Giá như mẹ ruột bé An lo lắng rằng cô kia còn trẻ quá không biết dạy con mình. Giá như cả gia đình bên nội và ngoại theo dõi sát sao cháu mình.
Ừ mà cũng lạ, sao họ lại đặt niềm tin vào một cô gái mới lớn chỉ quen ăn chơi và không có kỹ năng sống như thế nhỉ? Lỗi, lại thuộc về giáo dục. Hàng triệu phụ huynh không biết cách nuôi dạy con nhưng vẫn vô tư lập gia đình và sinh con. Biết bao hệ lụy sẽ còn diễn ra vì sự thiếu hiểu biết của phụ huynh khi mà họ vẫn chỉ tập trung cho con học mà không biết con cần nhiều hơn thế.
Câu chuyện này là lỗi của rất nhiều người chứ không chỉ ở cha mẹ và dì ghẻ của cô bé nữa. Nếu bạn bình tâm suy nghĩ, hãy để cho luật pháp làm việc. Bạn có quyền bức xúc nhưng bạn không có quyền phán tội chết cho bất cứ ai. Nếu bạn đòi giết ai đó vì cho rằng họ có tội thì bạn cũng giống cô dì ghẻ đánh bé vì cho rằng bé cần phải bị đánh để ngoan hơn. Không ai có quyền quyết định cuộc đời ai cả ngoài cuộc đời của chính mình. Xã hội thật bạo lực khi mà mọi người đều biến thành quan tòa: ùn ùn đòi tử hình người khác. Điều đó chỉ nên thuộc về luật pháp!"
Trước quan điểm đang gây tranh cãi nêu trên, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư Vấn Giáo dục và Trị liệu ATC TPHCM, Giảng viên kỹ năng mềm.
Ông nghĩ sao về quan điểm của chuyên gia giáo dục cho rằng: người "dì ghẻ" bạo hành bé gái "ở tuổi này làm gì đã biết dạy con mà lại phải nuôi dạy đứa trẻ không phải con ruột của mình"?
- Theo tôi, hướng dẫn, giáo dục và đồng hành với con là bổn phận, trách nhiệm và là niềm vui của mỗi cha mẹ. Với quan điểm trên, tôi không đồng tình, cũng không ủng hộ.
Tôi gợi ý suy tư thêm theo chiều hướng như sau: Ở tuổi này sẽ biết dạy con nếu có sự yêu thương. Khi đủ yêu, bạn sẽ tìm các nguồn lực khác trợ giúp. Khi yêu thương, bạn sẽ tìm cách để giáo dục đúng; bạn có thể đọc sách, hỏi từ những kinh nghiệm của người khác như cha mẹ, đồng nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục…
Chúng ta thấy những đứa trẻ ở những mái ấm tình thương, mồ côi cha mẹ, các em cũng đang ở với cha mẹ nuôi hay được một người nuôi dưỡng. Không phải là ruột thịt của những đứa trẻ này, nhưng họ nuôi dạy các em khôn lớn và đúng cách.
Bài đăng kể trên cũng đề cập tới vấn đề phụ nữ trẻ tuổi chưa cưới nhưng đã về ở chung, làm vợ, làm mẹ. Theo ông, liệu vấn đề chưa cưới mà ở chung của người trẻ có phải là nguyên do của sự việc bạo hành? Việc chưa cưới mà ở chung có phải do cách thức giáo dục của gia đình không đúng?
- Ngày nay, một số người trẻ chưa cưới mà ở chung với người đã từng lập gia đình và có con riêng, đây là vấn đề nằm ở lựa chọn của mỗi người. Vấn đề này một phần nằm ở văn hóa thông qua các kênh truyền thông, một phần nằm ở sở thích, trải nghiệm, sự tò mò của người trẻ.
Có thể họ sẽ cho rằng yêu và cưới một người đã có gia đình thì họ sẽ được quan tâm, cưng chiều hơn, hay thậm chí đến với nhau vì vật chất, danh tiếng và cũng có thể đơn thuần là tình cảm nam nữ. Giáo dục từ gia đình cũng một phần tác động lên những lựa chọn của người trẻ, nếu gia đình có những định hướng ngay từ đầu và giáo dục tốt thì người trẻ sẽ phân định kỹ lưỡng hơn khi đưa ra quyết định.
Vậy người trẻ có nên "chưa cưới mà ở chung", hay còn được gọi là sống thử?
- Sống thử có nên hay không thì còn phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi cặp đôi. Nếu người trẻ quyết định sống với nhau thì cần biết rằng đây không phải là sống thử nữa mà là "sống thật"; "ngủ thật"; "quan hệ tình dục thật"... Không thể sống thử mà "làm thật mọi thứ giống vợ chồng" sau một thời gian nói với nhau là không hợp mình chia tay đi.
Chúng ta là con người không thể xem nhau như một món hàng trong điện máy, đổi trả trong vòng một tháng nếu không hợp. Hãy là một người trẻ có trách nhiệm trong mọi thứ, kể cả tình cảm.
Có thể người trẻ không thấy hợp với nhau sau một thời gian chung sống, nhưng trước khi các bạn suy nghĩ đến việc chia tay, hãy thử tìm cách để thay đổi tính tình, quan tâm, biết thông cảm, chia sẻ với nhau hơn… Nếu không tự giải quyết sẽ tìm các nguồn lực khác hỗ trợ để khắc phục và có trách nhiệm với nhau.
Tôi gợi ý suy tư thêm: Nếu bạn có quá nhiều bạn, một ngày nào đó bạn sẽ so sánh họ với nhau; nếu học với nhiều thầy cô bạn cũng sẽ như vậy, hay thậm chí bạn đi du lịch nhiều nơi bạn cũng sẽ so sánh các địa điểm với nhau. Còn trong trường hợp này bạn yêu nhiều, sống thử nhiều thì điều gì sẽ xảy ra? Có phải là hạnh phúc, niềm vui thật sự, hay điều xảy ra là sự khao khát, thèm cảm giác mới, suy nghĩ nhiều, nhớ về hình bóng của người mà mình đã từng sống chung…
Cần chuẩn bị tâm lý, kỹ năng như thế nào để sống thử, thậm chí để làm mẹ kế/dì ghẻ khi còn trẻ?
- Có thể thấy việc ở một mình thật sự đơn giản hơn rất nhiều với việc ở chung với một ai khác, trong trường hợp này chúng ta bàn đến việc sống chung với nhau khi chưa kết hôn. Việc sống chung sẽ thuận lợi hơn khi cả hai cùng biết chia sẻ và quan tâm, thấu hiểu nhau, kỹ năng giao tiếp và làm chủ cảm xúc phải thật sự tốt…
Một lời nói khó nghe, một cảm xúc tức giận cũng sẽ làm cho mối quan hệ này bị rạn nứt, cùng với đó phải hiểu biết về sức khỏe của nhau, bao gồm sức khỏe sinh sản, để có thể chăm sóc cho nhau tốt hơn.
Trong trường hợp là mẹ kế thì cần trang bị kỹ năng nuôi dạy con. Để người mẹ kế thương con thì người cha cần phải noi gương và yêu thương con mình trước, tránh đánh đập và tâm sự nhiều với con. Người cha cần chia sẻ về sự yêu thương con với người mà mình chọn sống chung.
Phụ huynh nói chung cần làm gì để kiểm soát cơn giận khi dạy con?
- Trong quá trình nuôi dạy con, để kiểm soát cơn giận tốt phụ huynh cần tự nghiêm khắc với bản thân trong các vấn đề cuộc sống, chuyện gì ra chuyện đó, tránh trường hợp "giận cá chém thớt", tránh đem công việc bực bội ở nơi làm việc hay ngoài xã hội đem về để hướng dẫn và giáo dục con mình. Cần nói chuyện, tâm sự để hiểu rõ con đang gặp những khó khăn gì.
Phụ huynh cần quản lý sắp xếp thời gian để có giờ bên con và đồng hành với con, tránh quá tải công việc, khó khăn chồng chất và dẫn đến những áp lực khi hướng dẫn con…
Về việc bé gái 8 tuổi thiệt mạng do bị bạo hành, bài học về tâm lý ứng xử và bảo vệ trẻ em nói chung là gì?
- Trẻ em cần phải được quan tâm hơn và cảnh tỉnh; đặc biệt các gia đình trẻ cần trang bị cho mình những kỹ năng về giao tiếp ứng xử, kỹ năng đồng hành và giáo dục trẻ đúng cách, để trẻ phát triển và hình thành nhân cách tốt.
Qua việc bé gái 8 tuổi thiệt mạng, chúng ta thấy rằng việc ứng xử và nuôi dạy con trẻ trong các gia đình. Để nuôi dạy trẻ tốt và bảo vệ trẻ, cần sự phối hợp đồng bộ và quan tâm từ phía cả cha và mẹ ngoài ra còn có những người liên quan khác như người xung quanh, tổ chức liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, thầy cô và nhà trường.
Cảm ơn ông!