Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ: Vì đâu mái ấm gia đình thành nơi chiến trường?

Hải Hà

(Dân trí) - Mâu thuẫn xảy ra trong một thời gian dài nhưng không có phương án giải quyết dứt điểm, có thể khiến cho con người có những hành động tiêu cực do bị tích tụ, dồn nén quá lâu.

Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu: "Anh em như thể tay chân - Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần" nhằm răn dạy con cháu biết thương yêu và cưu mang lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại lại có nhiều cá nhân đặt lợi ích lên trên tình cảm anh em gia đình.

Cũng chính vì thế, không ít những trường hợp tranh chấp đất đai giữa anh em ruột, cha mẹ, con cái, thậm chí, có trường hợp tranh chấp bị đẩy lên đỉnh điểm khiến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Vụ việc đau lòng điển hình

Gần đây xảy ra một vụ án gây rúng động trong dư luận - vụ án 3 người con gái đổ xăng đốt nhà mẹ ruột xảy ra tại Hưng Yên. Nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn trong việc chia thừa kế quyền sử dụng đất.

Theo diễn biến vụ việc, sáng ngày xảy ra vụ việc, ba người con gái đến nhà mẹ đẻ của mình và mang theo can xăng loại 10 lít, sau khi cự cãi ngoài cửa, cả ba cùng mẹ đẻ tiếp tục vào trong nhà, một người mang theo can xăng đổ xuống nền gian phòng khách rồi châm lửa đốt khiến cả 4 người bị thương nặng. Quá trình điều trị tại bệnh viện, con gái lớn và con gái thứ 2 của bà Đ. đã tử vong, đến sáng ngày 14/12, bà Đ. cũng không qua khỏi.

Hiện Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo Điều 123 BLHS năm 2015.

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ: Vì đâu mái ấm gia đình thành nơi chiến trường? - 1

Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc 3 cô con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên.

Theo dõi ngay từ thời điểm diễn ra vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết trong quá trình hành nghề, luật sư đã từng tham gia rất nhiều vụ án dân sự và hình sự xuất phát từ tranh chấp đất đai. Các vụ việc này chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa cha mẹ, anh chị em trong gia đình hoặc có quan hệ huyết thống rất gần gũi.

Đây là một thực tế đáng buồn, thể hiện sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay, chỉ vì lòng tham, lợi ích kinh tế, sự đố kỵ mà làm mất đi tình cảm gia đình, gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí có thể xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người thân trong gia đình.

Nguyên nhân từ đâu?

Luật sư Tiền cho biết, nếu xem xét đến nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc nêu trên, có thể thấy hành vi "phóng hỏa" được thực hiện trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bộc phát. Còn nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ mâu thuẫn trong việc chia thừa kế quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình.

Mâu thuẫn xảy ra trong một thời gian dài nhưng không có phương án giải quyết dứt điểm có thể khiến cho con người có những hành động tiêu cực do bị tích tụ, dồn nén quá lâu. Mặt khác, một khi mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ gia đình thì mức độ, tính chất sẽ càng gay gắt, nghiêm trọng hơn so với mâu thuẫn giữa những người ngoài trong xã hội.

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ: Vì đâu mái ấm gia đình thành nơi chiến trường? - 2

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, không phải ai gặp phải các tình huống như trên cũng có thể giết hại người thân của mình. Mà chính sự suy thoái văn hóa, xuống cấp về đạo đức lối sống, mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Do hoàn cảnh xã hội thay đổi, đời sống kinh tế, văn hóa bị ảnh hưởng tiêu cực, mong cầu vật chất, mong muốn thỏa mãn lợi ích kinh tế của con người cũng lên ngôi, các giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, thui chột dần, nhường chỗ cho sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Đau lòng hơn là, chỉ vì lợi ích trước mắt mà có những người bất chấp giá trị đạo đức, bất chấp pháp luật sẵn sàng "ra tay" với cả những người ruột thịt, người thân trong gia đình, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.

Sự việc trên cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay là ỷ lại vào của "hồi môn", vào tài sản thừa kế của cha mẹ để lại mà không chú trọng đến việc làm ăn, tự tạo lập khối tài sản cho riêng mình. Những người này thường có tâm lý chây lười, không muốn lao động, trông chờ vào của cải của cha mẹ, hoặc tiêu cực hơn là tìm mọi cách để giành lấy quyền sở hữu tài sản về phía mình khi không được đáp ứng.

Ở chiều ngược lại, có thể thấy nhiều bi kịch phần nào cũng xuất phát từ sai lầm trong cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ. Cha mẹ luôn có quan niệm cố gắng làm ăn để đời con được "hưởng" nên vô hình chung khiến cho con cái có tư tưởng mặc định tài sản chính là của mình. Hoặc trong gia đình có cả con trai - con gái, việc đối xử thiên lệch với con cái, kể cả chuyện phân chia tài sản có thể hình thành thói ích kỉ của người con bị nuông chiều và sự bất mãn, ức chế của người con bị đối xử bất công.

Như trong vụ việc trên, việc người mẹ ở cùng con trai ở ngôi nhà sát mặt đường chính của làng, quyết định để cho người con trai phần tài sản này sau khi bà mất có thể khiến cho 3 người con gái còn lại nghĩ rằng bà có tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Điều này dễ dàng gây ra những phản ứng tiêu cực, dần dần sinh ra tâm lý ức chế, là nguồn cơn tạo nên những bất hạnh cho gia đình.

Bi kịch trên xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, do đó một phần lỗi cũng thuộc về người thân, anh em dòng họ của những người này. Bởi lẽ, khi trong nội bộ gia đình có chuyện xích mích, "cơm không lành, canh chẳng ngọt", những người thân trong gia đình chính là những người đầu tiên nắm bắt được thông tin này.

Đây là vụ việc điển hình của các vụ án tranh chấp đất đai mà nhiều gia đình có xu hướng chọn cách "tự xử", thay vì chọn lựa phương án hòa giải cấp cơ sở hay thuê luật sư tư vấn, hỗ trợ giải quyết. Điều này một phần phản ánh thực trạng hiện nay là hòa giải ở cơ sở còn mang nặng tính hình thức, giải quyết chưa dứt điểm, triệt để, các cấp Tòa án còn có tình trạng tiêu cực, gây khó dễ…

Họ cần có các phương án thuyết phục, hòa giải, họp gia đình để cùng trao đổi và giải quyết, trước khi yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp. Nếu mâu thuẫn có thể hóa giải ngay khi vừa nhen nhóm, có lẽ bi kịch này đã không xảy ra.

Cũng cần kể đến trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc theo dõi sát sao, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân trên địa bàn mình quản lý và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, theo dõi chất nguy hiểm về cháy, nổ. Từ những lần hòa giải không thành và mối quan hệ không mấy tích cực giữa người mẹ và 3 người con gái, nếu cơ quan chức năng phát hiện được những dấu hiệu bất thường trong hành động của 3 người con, rất có thể sẽ đưa ra các phương án giải quyết và kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra.

Mặt khác, đây hầu hết là các tranh chấp phức tạp nhưng có nhiều luật sư lại chưa đủ năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì niềm tin của người dân đối với chính quyền lung lay, giảm sút, và tâm lý "tiền mất tật mang" khi thuê những luật sư chưa đủ "tầm" để giải quyết đã dẫn đến kết cục là người dân hành xử kiểu "tự xử" ngay trong chính ngôi nhà, mái ấm của mình.

Từ việc phân tích các nguyên nhân của sự việc, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, đây là vụ việc có tính chất đặc biệt và nghiêm trọng, về cả tính pháp lý và đạo đức xã hội. Trong đó, 3 người con gái không những chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, vi phạm Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình, trái với đạo đức xã hội mà còn đang tâm hủy hoại tài sản, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người sinh thành ra mình.

Vì lợi ích vật chất, lòng tham, những đứa con đã sẵn sàng ra tay với ngay cả chính mẹ đẻ của mình, chà đạp lên tình mẫu tử và đạo hiếu, đều là những giá trị cao quý và thiêng liêng nhất đối với mỗi con người trong xã hội, gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội.

Đây là một vụ án có kết cục vô cùng đau lòng: sau những lần giành giật tài sản giữa những người con, bi kịch đã xảy ra gây thiệt mạng cho 3 người, tài sản giờ có muốn cũng không thể mang theo. Nếu đưa ra xử lý và có kết quả thế nào thì đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay về sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của con người, coi nặng giá trị vật chất và coi nhẹ tình nghĩa gia đình.

Việc xử lý nghiêm minh những vụ án như thế này là vô cùng cần thiết, đảm bảo công bằng, xử lý đúng người đúng tội và góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là thái độ tôn trọng, bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, trong xã hội ngày càng phát triển và hiện đại, người dân chúng ta đã dần có ý thức sâu sắc hơn về quyền lợi của mình, nhưng nhiều khi lại không nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật để bảo vệ bản thân.

Ngoài ra, để giảm thiểu những vụ án từ nguyên nhân trên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân cũng vô cùng quan trọng. Đặc biệt, cần phải đề cao yếu tố giáo dục đạo đức để những chuẩn mực đạo đức chi phối mối quan hệ trong gia đình, để con cái tôn trọng cha mẹ, anh em quý mến lẫn nhau. Khi những mâu thuẫn tranh chấp phát sinh thì cần phải được giải quyết có tình, có lý, đúng pháp luật.

Mặt khác, việc sử dụng dịch vụ tư vấn của luật sư trong việc tư vấn, hòa giải trong các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nói chung và nhất là trong các vụ việc yêu cầu phân chia quyền thừa kế vẫn chưa được người dân chú trọng. Vai trò của luật sư trong việc giải quyết các mâu thuẫn nêu trên là vô cùng quan trọng, bởi đây là bên thứ 3 trong quan hệ tranh chấp, mọi ý kiến đưa ra sẽ vừa khách quan, công bằng, hợp tình hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Do đó, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực mà người dân nên thực hiện khi không tìm được tiếng nói chung trong gia đình là thuê luật sư tư vấn, hòa giải, đảm bảo sự việc được giải quyết hài hòa cho các bên, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc như vụ việc nêu trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm