3 phút cùng luật sư:

Người mắc Covid-19 không hợp tác, chặn số Bộ Y Tế sẽ bị xử lý như thế nào?

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Người mắc Covid-19 hoặc những người từng tiếp xúc, có liên quan nếu có hành vi không hợp tác khai báo hoặc không thực hiện cách ly đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại Quảng Ninh và Hải Dương. Hiện tại, các cơ quan chức năng đã ráo riết truy vết các F1, F2 để chặn đứng dịch bệnh sớm nhất có thể. 

Tuy nhiên, theo Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19, có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác... Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết.

Hành vi thiếu ý thức này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Hoàng, đến từ văn phòng luật Phan Law Vietnam để cùng tìm hiểu.

Người mang dịch bệnh nhưng có ý định chống đối thì xử lý thế nào

Thưa luật sư, những bệnh nhân mắc Covid-19 không hợp tác với các cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt thế nào?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra (hay còn gọi là dịch Covid-19) được xem là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, hành vi không hợp tác với cơ quan chức năng của người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A có thể được thể hiện bằng nhiều hành vi và đối với những hành vi cụ thể thì người vi phạm sẽ phải chịu những mức phạt khác nhau. Một số hành vi không hợp tác điển hình có thể kể ra như:

Hành vi: "đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp" thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật".

Người mắc Covid-19 không hợp tác, chặn số Bộ Y Tế sẽ bị xử lý như thế nào? - 1
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng trao đổi cùng PV Dân Trí

Hành vi: "không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm; hoặc không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật" thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

Hành vi: "từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu" thì có thể bị phạt tiền từ từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế". Trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân Covid hoặc từng đi qua những địa điểm nghi ngờ nhưng lại không tự giác khai báo mà cố tình giấu thông tin có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì khung hình phạt cụ thể là gì?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì đối với các cá nhân có hành vi "Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.