"Trường nên chấp nhận lời từ chối xem Đất rừng phương Nam của học sinh"
(Dân trí) - "Đó cũng là một sáng kiến của trường, tuy nhiên, nhà trường cần phải cởi mở với những ý kiến từ chối tham gia. Rất nhiều ý kiến từ chối, nhưng sợ con em bị trù dập nên PH thường hậm hực khi tham gia".
Như Dân trí thông tin, sáng 16/10, Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) có thư ngỏ vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam". Trong đó, nhà trường cho biết đây là hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn được tổ chức cho học sinh khối lớp 8, 9. Mức lệ phí là 80.000 đồng/học sinh, gồm vé xem phim và tiền xe về trường.
Bà Hồ Thị Ngọc Sương (Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi) cho biết thư ngỏ này mới triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp. Sau đó, nhà trường nhận thấy văn bản có những sai sót, đồng thời bộ phim cũng nhận về những phản hồi trái chiều, nên đã dừng việc phát hành và thu hồi toàn bộ thư ngỏ.
Tuy nhiên, nội dung này đã được đăng tải trên mạng xã hội và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng việc xem phim nên được tổ chức dưới tinh thần tự nguyện, không nên ép buộc và tôn trọng ý kiến của gia đình học sinh.
Nên dựa trên tinh thần tự nguyện, không thể ép buộc
Theo dõi sự việc, độc giả Võ Phú Hậu bình luận: "Hoạt động trải nghiệm hay tích hợp ở nhiều nơi đang có chiều hướng biến tướng, làm nó ngày càng "hoành tráng hóa". Tất nhiên, trong đó có sự bày vẽ của nhà trường chứ không phải yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều môn học, nhiều lĩnh vực "trái nghiệm", nếu làm dềnh dang sẽ gây "viêm túi tiền" cho phụ huynh".
"Kinh doanh thêm từ giáo dục. Không biết có xin cấp phép tổ chức, xin phép bản quyền, kê khai đóng thuế đầy đủ hay không?", anh Hoang Nguyen bình luận.
"Đi xem phim để trải nghiệm, các em có thể tự đi riêng, không cần nhà trường có thư ngỏ rồi kêu đóng tiền. Tập trung dạy học đi, đừng làm phiền dư luận nữa", người dùng Lâm Phan bày tỏ quan điểm.
"Nếu tự tin là phim hay, có ý nghĩa, thiết thực và gần gũi với đời sống thì không cần vận động người ta cũng xem. Không nên áp đặt, ép buộc, chỉ chuyện học thôi các em cũng mệt mỏi lắm rồi", chủ tài khoản Vu Ninh Tran nêu ý kiến.
"Phim ảnh chỉ là loại để giải trí, ai thích thì xem, không thích thì thôi. Tuyệt đối không thể ép buộc được", độc giả Hiep Nguyen bình luận.
"Tôi bị con gái ruột của mình rời xa, bỏ đi chỉ vì lần đó không có tiền cho cháu đi tham quan sinh hoạt ngoại khóa", chủ tài khoản Keigo kể về việc cho con tham gia hoạt động ngoại khóa có tính tương tự hoạt động xem phim của nhà trường.
"Thua luôn. Kiểu này có khác gì ép người quá đáng. Phải dẹp bỏ ngay kiểu gò ép học sinh làm theo ý nhà trường, đoàn đội đi. Ép buộc riết làm sao học sinh có sự tự tin, giá trị của mình!", người dùng Danh V viết.
"Tôi nghĩ đó cũng là một sáng kiến của trường. Tuy nhiên, nhà trường cũng cần phải "mở" với những ý kiến từ chối tham gia. Rất nhiều ý kiến muốn từ chối nhưng sợ con em bị nhà trường trù dập nên toàn bị hậm hực khi tham gia.", anh Cường Nguyễn Văn chia sẻ.
"Dù sao cũng đỡ hơn việc thầy cô mời Khá Bảnh hay Phú Lê"
Ở chiều ngược lại, nhiều độc giả nhìn nhận sự việc dưới góc độ tích cực. Anh Chinh Vu Quoc viết: "Dù sao cũng được hơn việc các thầy cô mời Khá Bảnh hay Phú Lê".
"Không biết chiêu trò gì, nhưng mình bỏ ra 80.000 đồng đi xem phim thấy rất đáng. Phim cho mình cảm xúc về tình thân, tình người, tình yêu quê hương đất nước. Mình nghĩ không mấy hoạt động trải nghiệm giá 80.000 đồng đem lại cho mình nhiều giá trị như vậy. Hãy nghĩ tích cực lên mọi người, đừng vội nghĩ xấu mọi thứ, chị Thi Dinh Truong chia sẻ.
"Mình thấy bình thường mà, sao mọi người cứ soi mói phim vậy trời! Mình coi xong nghĩ đơn giản. Ngày xưa ông bà mình cực khổ đấu tranh, bỏ mạng sống để giành lấy đất nước, khơi gợi lòng yêu nước mà. Còn bang phái gì thì cũng chủ yếu là yêu nước, đâu ai soi lật lại lịch sử coi bang phái này có phải vậy hay không? Sao mọi người khắt khe vậy nhỉ? Thích thì mình xem, không thì thôi. Phim mục đích chính là giải trí, cơ quan chức năng duyệt chiếu rồi thì giờ đến dư luận", độc giả Tân Nguyễn Duy bày tỏ.
"Đây là hoạt động bình thường và giải trí có tính nhân văn cao, cần thiết để hiểu biết về lịch sử miền sông nước Nam bộ", anh Minh Nguyễn Quang bình luận.
Hoàng Diệu (tổng hợp)