Từ vụ Đại học Quảng Bình nợ lương: Nên tập trung cho trường nghề!

PV

(Dân trí) - Từ việc Đại học Quảng Bình nợ lương, nhiều độc giả cho rằng đây là hệ quả của việc đào tạo đại học tràn lan, thiếu quan tâm tới chất lượng và nhu cầu thực tế hiện nay.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin hơn 130 giảng viên (trong đó có 18 tiến sĩ, 82 thạc sĩ) tại Trường Đại học Quảng Bình bị nợ lương suốt 8 tháng 100 tiến sĩ, thạc sĩ khốn khổ vì bị nợ lương gần cả năm trời . Đáng lo hơn khi trong buổi làm việc mới nhất, lãnh đạo trường thông báo 3 tháng tới cũng không có nguồn để trả lương. 

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình, trước đây, trường có đến 10.000 sinh viên theo học nên tuyển dụng rất nhiều giảng viên. Tuy nhiên, những năm qua, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn khiến con số hiện tại còn chưa đến 1.000 sinh viên. Ngoài nợ lương, trường hiện còn nợ khoảng 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của cán bộ, giảng viên.

Trường Đại học Quảng Bình hiện có 236 viên chức và người lao động, trong đó gần 100 người hưởng lương ngân sách Nhà nước, còn lại hưởng lương từ tài chính tự chủ đơn vị. Vì khó khăn, trường từng đề xuất về việc giảng dạy thêm bậc THPT nhằm tranh thủ nguồn lực chất lượng cao từ đội ngũ giảng viên nhưng không được cấp trên phê duyệt.

Từ vụ Đại học Quảng Bình nợ lương: Nên tập trung cho trường nghề! - 1

Cơ sở vật chất của trường ĐH Quảng Bình được đầu tư nhưng ít sinh viên học đang là sự lãng phí lớn (Ảnh: Tiến Thành).

Nên giới hạn số lượng trường đại học, tập trung cho trường nghề

Quan tâm sự việc trên, nhiều độc giả cho rằng ví dụ của Trường Đại học Quảng Bình là hồi chuông cảnh tỉnh cho thực trạng mở "tràn lan" trường đại học và cấp "ồ ạt" bằng thạc sĩ, tiến sĩ như hiện nay. Chuyện quá chú trọng vào số lượng mà không quan tâm tới chất lượng giảng dạy cũng như định hướng nghề nghiệp của học sinh khiến nhiều trường đại học rơi vào tình trạng "ế ẩm" hay "thừa thầy, thiếu trò".

Làm phép so sánh đơn giản, độc giả Đại Mr cho rằng có sự bất cập trong việc quy hoạch nhân sự tại Trường Đại học Quảng Bình: "1.000 sinh viên mà tới 236 viên chức và người lao động".

"Hậu quả của việc mở đại học ồ ạt, thừa thầy thiếu thợ (giỏi). Các ngành mở đại học, các tỉnh mở đại học, các vùng cũng mở đại học", độc giả Anh Tuan Do nêu vấn đề.

Tương tự, chị Trần Lan viết: "Chắc chắn là hậu quả của quy hoạch kiểu mỗi tỉnh có một trường đại học. Thực tế cho thấy nhiều tỉnh chỉ cần trường nghề. Việc quy hoạch này dẫn đến thừa thầy, thiếu thợ, nhất là thợ lành nghề!".

"Chứng tỏ chất lượng đào tạo chưa cao, học xong ra trường khó kiếm việc làm nên ít sinh viên. Tự chủ mà ít sinh viên thì tiền đâu nuôi thầy, mà thầy nhiều quá, lại nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nên lương cao. Mà nhiều tiến sĩ thạc sĩ, sao lại ít học sinh thi vào?" độc giả Nguyễn Ngọc Quang bình luận.

Bên cạnh việc mở tràn lan, ồ ạt mà không chú trọng vào chất lượng giảng dạy, nhiều người cũng đánh giá việc không quan tâm tới nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh tại địa phương cũng là một nguyên nhân khác dẫn tới sự thất bại của nhiều trường đại học hiện nay.

"Trước đây, chỉ một số thành phố lớn mới có trường đại học. Sau này các tỉnh thi nhau mở trường đại học riêng trong khi sau đại học, nhiều cử nhân không xin được việc làm đã phải quay trở lại học trường nghề. Xu hướng hiện nay là học nghề để có việc làm ngay và ổn định. Do đó, số học sinh học lên đại học ngày càng ít, các trường đại học vì thế không có sinh viên, không đủ nguồn thu thì không có tiền để trả lương giảng viên. Đó là vướng mắc hiện nay", người dùng Tb Van Thang nhìn nhận.

Có chung quan điểm song nhìn nhận dưới góc nhìn về địa lý, anh Khương Bá đánh giá: "Quảng Bình quá gần Huế và Đà Nẵng, giống Hà Tĩnh rất gần Vinh (Nghệ An). Bởi vậy từ đầu, thành lập trường đại học là sai lầm rồi. Thay vào đó nên lập trường dạy nghề chất lượng cao, kết hợp lý thuyết và thực hành".

"Trường này chưa bằng một góc Đại học Hà Tĩnh. Xây trường quá hoành tráng và rộng thênh thang mà sinh viên thì không có", chủ tài khoản Sỹ Tèo Lê bình luận.

"Nên giới hạn số lượng trường đại học, còn lại nên tập trung trường nghề", "Qua rồi thời ai cũng nhào vô đại học bất kể chất lượng và ngành nghề", "Hậu quả của việc đua nhau tỉnh nào cũng phải có trường đại học cho oai"... nhiều độc giả khác nêu ra thực trạng hiện nay.

Giải pháp nào cho các trường đại học?

Trước thực trạng trên, nhiều độc giả ủng hộ việc chuyển đổi định hướng hoạt động hoặc mở rộng quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của các trường đại học để phù hợp với thị yếu hiện tại. Chị Đinh Thị Mai viết: "Chuyển thành trường nghề hoặc ngoại ngữ, đào tạo công nhân chất lượng cao đi xuất khẩu lao động".

"Hiện nay trường phổ thông trung học công lập thiếu, đại học thì không có sinh viên. Rõ ràng chính quyền nên cho phép mở thêm hệ phổ thông để giảm tải, chia sẻ khó khăn cho cả trường đại học lẫn các em học sinh phổ thông", độc giả Mai Trung Thực nêu ý kiến.

"Sẽ còn nhiều trường có hoàn cảnh tương tự Trường Đại học Quảng Bình bởi một tỷ lệ lớn sinh viên đại học hiện nay ra trường làm công nhân thì ai còn nhu cầu học ở những trường như này. Làm công nhân vừa kiếm được tiền ngay, bản thân cũng không bị lãng phí nguồn lực. Nhà nước nên có kế hoạch sớm để không bị động trong vấn đề này, đồng thời không làm lãng phí nguồn lực giảng viên cũng như cơ sở hạ tầng", độc giả có nickname Kaka Pham bình luận.

Hoàng Diệu (tổng hợp)