Tránh rước họa vào thân, đừng để bị "lừa" ký tên vào giấy trắng!

Khả Vân

(Dân trí) - Nếu bị lừa ký tên vào giấy trắng, sẽ mang đến rủi ro vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người ký, thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống...

Tôi cùng một số người trong thôn làm đơn tố cáo hành vi tham nhũng về đất đai của cán bộ xã, sau đó cán bộ công an huyện về tận gia đình tôi và mời những người đứng tên trong đơn tố cáo để làm việc.

Trong buổi làm việc, cán bộ công an đưa 2 tờ giấy trắng bảo chúng tôi ký vào đó để làm biên bản buổi họp, nhưng không cho chúng tôi xem biên bản mà bảo chỉ cần ký vào đây là được.

Với hiểu biết ít ỏi của mình, chúng tôi đã không kí vào tờ giấy trắng đó, và buổi làm việc đã không thu được kết quả gì.

Mong luật sư có thể giải đáp kỹ hơn về những tình huống bị "lừa" ký tên vào giấy trắng để tôi và mọi người có thêm kiến thức tránh những rủi ro không đáng tiếc.

Với nội dung câu hỏi của bạn đọc, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Bạn đã rất sáng suốt khi từ chối ký vào tờ giấy trắng đó. Vì nếu bạn ký tên vào tờ giấy trắng đó thì sau này người khác có thể điền, ghi chép bổ sung bất cứ nội dung gì vào văn bản ấy. Đó có thể là nội dung rút đơn tố cáo dẫn tới kết thúc việc điều tra. Cũng có thể là nội dung bạn thừa nhận cố tình tố cáo sai sự thật, hậu quả dẫn tới có thể bạn bị xử lý hình sự về tội vu khống!"

Theo đó, như nội dung bạn trình bày, có thể thấy bạn có đơn tố cáo hành vi tham nhũng ra cơ quan cơ quan công an. Đây thuộc trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Khi bạn là người báo tin về tội phạm bạn có quyền, nghĩa vụ theo điều 56, Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó:

Điều 56. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố

  1. Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền:
  2. a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;
  3. b) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  4. c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
  5. Cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

Bạn có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan điều tra để tình bày trung thực về những tình tiết mình biết được. Lời khai, lời trình bày của bạn phải được cán bộ điều tra ghi chép đầy đủ, bạn có quyền đọc lại, chỉnh sửa những nội dung ghi chép không đúng.

Việc cán bộ điều tra đưa bạn giấy trắng không có nội dung yêu cầu bạn ký là việc làm vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng hình sự. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Do vậy người dân cần tuyệt đối không ký tên vào các tờ giấy trắng, giấy không rõ, không hiểu hết nội dung ý nghĩa văn bản của bất cứ ai đưa cho. Người ký vào giấy tờ trắng thì gần như người đó không có bằng chứng gì để chứng minh khi mình ký văn bản đó hoàn toàn không có nội dung.

Bên cạnh đó, người ký cũng nên gạch chéo phần trống giữa và cuối nội dung những giấy tờ mà mình ký kết để người khác không thể chèn thêm nội dung theo ý họ.

Đặc biệt, khi hai bên thống nhất ký hợp đồng bằng, biên bản thì nên lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản để đối chiếu (nếu cần thiết).