Tranh cãi phân chia tài sản trong cuộc hôn nhân 1 ông 2 bà

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho rằng, tại cuộc hôn nhân thứ nhất hai bên không còn sống cùng nhau, không còn thực hiện nghĩa vụ vợ chồng thì họ cũng sẽ không được hưởng quyền lợi từ phía bên kia.

Pháp luật hiện nay đã xác định rằng "hôn nhân thực tế" là một quan hệ hôn nhân được xác lập giữa một nam và một nữ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy có đủ điều kiện kết hôn nhưng lại không đăng ký kết hôn.

Đến nay trong thực tế, các tranh chấp liên quan đến tài sản của các cuộc hôn nhân thực tế lại này sinh vấn đề "Ly hôn thực tế" với các mối quan hệ "Hôn nhân thực tế".

Trên thực tế đã xảy ra trường hợp như sau: Ông A và bà B về sống với nhau từ năm 1971, không có đăng ký kết hôn. Sau đó đến năm 1977 sau khi có một con chung thì ông A bỏ đi sinh sống với người phụ nữ khác có ba người con chung. Bà B cũng lấy chồng mới.

Ông A được Nhà nước cấp một mảnh đất 1.000 m2. Năm 2020 ông A mất thì những ai là người được hưởng di sản thừa kế của ông?

Theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị, căn cứ các quy định về thừa kế thì có thể dễ dàng xác định các người con của ông A với người vợ đầu và người vợ thứ 2 đều là người thừa kế. Tuy nhiên, việc xác định hai bà tại thời điểm mở thừa kế có đều là vợ hợp pháp của ông A để cùng được hưởng di sản thừa kế của ông A hay không hiện nay đang có nhiều ý kiến ngược chiều nhau.

Tranh cãi phân chia tài sản trong cuộc hôn nhân 1 ông 2 bà - 1

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Thực tế đã có những bản án công nhận người vợ đầu là hôn nhân hợp pháp với lý do cuộc hôn nhân của ông A với người vợ thứ 2 vi phạm điều cấm của pháp luật "kết hôn với người đã có vợ, có chồng". Ngược lại có bản án lại công nhận cuộc hôn nhân thứ hai với lập luận cuộc hôn nhân thứ nhất thực tế đã chấm dứt, hai bên không còn quan hệ vợ chồng, không còn thực hiện quyền, nghĩa vụ vợ chồng với nhau.

Để chấm dứt những cách hiểu, nhận định trái ngược nhau, ngày 12/3/2021 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã công bố Án lệ số 41/2021/AL "Về chấm dứt hôn nhân thực tế". Theo đó:

Tình huống án lệ: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.

Như vậy, từ khi Án lệ số 41/2021/AL "Về chấm dứt hôn nhân thực tế" có hiệu lực tình trạng một ông hai bà, một bà hai ông trong quan hệ hôn nhân thực tế sẽ được pháp luật công nhân cả hai cuộc hôn nhân hợp pháp nhưng sẽ xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt. Điều này đồng nghĩa với việc người vợ đầu, người chồng đầu sẽ không được hưởng các quyền lợi nhân thân, tài sản gì từ người chồng, người vợ của mình.

Án lệ số 41/2021/AL là một giải pháp có thể chưa hợp lý bởi lẽ: pháp luật đã công nhận hôn nhân thực tế là hợp pháp, khi không có quyết định ly hôn mà vẫn khẳng định cuộc hôn nhân đầu đã chấm dứt rõ ràng là mẫu thuẫn với quy định "Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án" được ghi nhận tại khoản 14, điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

Nhưng đây là một giải pháp pháp lý hợp tình bởi rằng: tại cuộc hôn nhân thứ nhất hai bên không còn sống cùng nhau, không còn yêu thương chăm sóc nhau, khi họ không còn thực hiện nghĩa vụ vợ chồng thì họ cũng sẽ không được hưởng quyền lợi từ phía bên kia. Đây là lẽ phải, sự công bằng cội nguồn xây dựng pháp luật.

Do vậy hướng xác định cuộc hôn nhân thực tế thứ nhất đã chấm dứt hiệu lực phù hợp với thực tế khách quan, tạo ra sự ổn định trong các quan hệ xã hội