Ở nhà nội trợ, khi ly hôn có thiệt thòi trong phân chia tài sản?
(Dân trí) - Theo quy định mới thì việc bạn ở nhà làm công việc nội trợ, trông nom con cái nên không có thu nhập hàng tháng vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng (vợ).
"Tôi kết hôn năm 2010, từ đó đến nay tôi sinh lần lượt 2 con, do không có ông bà giúp đỡ và sức khoẻ của con yếu nên tôi ở nhà nội trợ và chăm con để chồng đi làm. Do đó, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều do chồng tôi lo liệu. Gần đây tôi và chồng có những mâu thuẫn không thể giải quyết được, tôi muốn ly hôn. Hiện tại tôi rất lo lắng mình sẽ phải ra đi tay trắng do tôi chỉ ở nhà nội trợ không trực tiếp kiếm ra tiền. Trong trường hợp của tôi khi ly hôn toà sẽ xử phân chia tài sản ra sao?", bạn Nguyễn Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi.
Trao đổi với PV Dân Trí về vấn đề trên, luật sư Khúc Thị Quyên - Công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…”.
Như vậy, theo quy định trên thì toàn bộ tài sản do chồng bạn làm ra trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của hai vợ chồng. Do đó, nếu hai vợ chồng ly hôn mà không tự thoả thuận được về việc phân chia tài sản thì phần tài sản này sẽ được tính là tài sản chung để phân chia theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn được quy định tại khoản 2 Điều 50 về Luật Hôn nhân và gia đình: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
Vậy, nếu xét đến yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản thì liệu người chỉ ở nhà làm công việc nội trợ mà không trực tiếp làm ra tiền thì có được chia tài sản không? hoặc bị chia ít hơn không?
Câu trả lời cho băn khoăn của bạn cũng chính là điểm mới rất đáng lưu ý trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, đó là việc thừa nhận lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Khỏan 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình được hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định:
“Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”: là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”.
Chiểu theo quy định trên thì việc bạn chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, trông nom con cái nên không có thu nhập hàng tháng vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng. Do đó, khi ly hôn Toà án sẽ phân chia tài sản cho hai vợ chồng theo đúng nguyên tắc tại Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và việc này sẽ không phải là lý do để bạn bị chia tài sản ít hơn chồng.