Vụ ô tô tông tử vong bé 17 tháng: Người đi xe máy có phải chịu trách nhiệm?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, vấn đề mấu chốt cần xác định là có hay không yếu tố lỗi của tài xế ô tô và người lái xe máy, và mối quan hệ giữa hành vi vi phạm (nếu có) với cái chết của nạn nhân là như thế nào.

Như Dân trí thông tin, chiều 21/12, ô tô do ông Nguyễn Khương D. (30 tuổi, cán bộ Công an huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển tới khu vực tổ 10 phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang, thì bất ngờ gặp một xe máy đi ngược chiều đang sang đường. Tài xế đánh lái tránh xe máy thì lao thẳng vào ngôi nhà ven đường khiến một bé gái 17 tháng tuổi tử vong. 

Sau vụ tai nạn, vợ ông D. nhận là người lái xe nhưng qua xác minh, Công an TP Tuyên Quang xác định ông D. mới là người cầm lái. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh làm rõ. 

Với diễn biến sự việc như trên, những vấn đề pháp lý nào cần được làm rõ? Ai là người phải chịu trách nhiệm với cái chết của nạn nhân là điều mà nhiều độc giả băn khoăn.

Vụ ô tô tông tử vong bé 17 tháng: Người đi xe máy có phải chịu trách nhiệm? - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Hoàng Linh).

Những vấn đề cần làm rõ

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận đây là sự việc hết sức đáng tiếc, gây thiệt hại nghiêm trọng về con người cũng như ảnh hưởng tới tâm lý, tinh thần của gia đình nạn nhân. Với hậu quả làm bé gái 17 tháng tuổi thiệt mạng, vụ việc cần được khẩn trương xác minh, làm rõ nhằm đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật cũng như xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan với gia đình nạn nhân. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Hùng nhìn nhận với thông tin hiện có, chưa thể kết luận trách nhiệm pháp lý của các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, từ dữ liệu được camera ghi lại, có một số vấn đề cần phải được tập trung làm rõ như sau: 

Thứ nhất, cần xác định tốc độ của ô tô tại thời điểm trước khi phát hiện xe máy, đánh lái là bao nhiêu và thời gian từ khi phát hiện xe máy đi ngược chiều tới khi phải đánh lái là bao lâu. Đây sẽ là căn cứ để xác định tình huống xe máy xuất hiện có phải sự kiện bất ngờ, bất khả kháng hay không và người lái ô tô đã tuân thủ quy định về tốc độ, quan sát khi điều khiển xe và xử lý khi gặp chướng ngại vật trên đường hay chưa. 

Thứ hai, cần làm rõ khi phát hiện xe máy, người lái ô tô đã xử lý phương tiện như thế nào, đó đã phải là cách xử lý tối ưu để tránh thiệt hại xảy ra hay chưa.

Đồng thời, cần xác định sau khi xử lý để tránh phương tiện, vì sao chiếc xe lại có thể vọt đi thêm một đoạn để lao vào nhà dù khoảng cách từ mặt đường tới cửa nhà còn một đoạn đủ để dừng xe lại. Từ đó, cần làm rõ có yếu tố lỗi trong việc xử lý của tài xế dẫn tới hậu quả chết người hay không. 

Vụ ô tô tông tử vong bé 17 tháng: Người đi xe máy có phải chịu trách nhiệm? - 2

Hình ảnh ghi lại vụ tai nạn thương tâm (Ảnh cắt từ clip).

Từ hai căn cứ nêu trên, tổng hợp với các dữ liệu thu thập, cơ quan chức năng sẽ đánh giá một cách chính xác, cẩn trọng trách nhiệm của tài xế ô tô trong trường hợp này. Nếu xét thấy có yếu tố lỗi như chưa đảm bảo tốc độ, quan sát hay xử lý chủ quan, xử lý sai dẫn tới tai nạn, có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định. 

Ngoài ra theo luật sư Hùng, dù khu vực nạn nhân tử vong không được xác định là đường bộ nhưng do nguyên nhân sự việc xuất phát từ việc tham gia giao thông đường bộ nên vẫn có thể xem xét trách nhiệm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp xét thấy có dấu hiệu hình sự. 

Đối với những nghi vấn về việc tài xế có nồng độ cồn, đây mới là thông tin dừng lại ở sự nghi ngờ, chưa có kiểm chứng nên chưa thể kết luận về trách nhiệm nếu thuộc tình huống này. Tuy nhiên, việc tài xế có nồng độ cồn hay không cũng không phải căn cứ để xem xét có hay không trách nhiệm hình sự khi phát hiện yếu tố lỗi mà đây chỉ là tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Có chung nhận định, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cũng xác định đây là vụ việc cần xem xét dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, cần tập trung làm rõ việc tài xế đã tuân thủ các quy định về tốc độ, quan sát và xử lý tình huống khi gặp chướng ngại vật hay chưa. 

Về những ý kiến cho rằng vụ việc có dấu hiệu của hành vi vô ý làm chết người, ông Tuấn cho biết: "Mặt khách quan của tội Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng nghĩ rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không nhận thấy được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả là đã làm người chết.

Trường hợp này, người điều khiển ô tô đang tham gia giao thông, vì tránh xe máy đi ngược chiều băng sang đường bất ngờ nên đánh lái và lao vào nhà dân. Do đó, vụ việc không có dấu hiệu của hành vi vô ý làm chết người mà cần xem xét dấu hiệu của việc có hay không vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ". 

Trách nhiệm của những người liên quan

Bình luận về trách nhiệm của người lái xe máy, luật sư Trần Minh Hùng cho rằng cơ quan chức năng sẽ triệu tập người này tới làm việc để làm rõ việc người này đã sang đường như thế nào, có vi phạm quy định về tham gia giao thông như không giảm tốc độ, chuyển hướng không có tín hiệu hay đi ngược chiều hay không. Trường hợp xác định có dấu hiệu của hành vi vi phạm, người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương ứng. 

Ngoài ra, một vấn đề khác cần đặc biệt quan tâm và xác minh hết sức cẩn trọng, đó là mối quan hệ nhân quả giữa hành động sang đường của người đi xe máy và cái chết của nạn nhân. Nếu kết quả xác minh cho thấy có dấu hiệu lỗi vi phạm và đây là một phần nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, có thể xem xét trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (nếu có) trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự. 

Nếu không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả mà chỉ xác định đây là lỗi vi phạm hành chính đơn thuần, người đi xe máy có thể được xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự.