Trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn giao thông làm chết người

Khả Vân

(Dân trí) - Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS 2015 không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên người gây tai nạn vẫn có thể bị khởi tố nếu có căn cứ.

Anh tôi lái xe ô tô gây tai nạn giao thông chết người, sau đó anh tôi tự thú và đã bị tạm giữ hình sự tại cơ quan cảnh sát điều tra. Tôi muốn hỏi rằng việc anh tôi bị tạm giữ là đúng hay sai và trách nhiệm hình sự đối với anh tôi trong vụ việc này là như thế nào? 

Trả lời:

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp, anh bạn có hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ như không chú ý quan sát, vượt quá tốc độ, vượt đèn đỏ, không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe... gây ra hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. 

Trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn giao thông làm chết người - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo quy tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cá nhân chỉ bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Vậy nên, trong trường hợp anh bạn đã tự thú thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể bắt tạm giữ anh bạn để điều tra, xác minh vụ việc.

Kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ anh bạn, thì thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày, trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn nhưng không quá 03 ngày.

Trường hợp đặc biệt, có thể ra hạn tạm giữ lần hai nhưng không quá 03 ngày. Vậy nên thời hạn tạm giữ không quá 09 ngày theo quy định tại Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tuy nhiên, trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do cho anh bạn. Mặc khác, nếu có căn cứ buộc tội thì anh bạn có thể bị tạm giam, và thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam.

Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 118, Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn giao thông làm chết người

Trong trường hợp này, anh bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, người gây tai nạn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Hơn thế nữa, trong trường hợp người gây tai nạn và gia đình người bị hại đã thỏa thuận, hòa giải không đưa vụ án ra xét xử thì trong trường hợp cơ quan điều tra nhận thấy rằng có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì anh bạn vẫn có thể bị khởi tố. Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 không thuộc trong trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên anh bạn vẫn có thể bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu có căn cứ. 

Trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn giao thông làm chết người - 2

Ảnh minh họa.

Ngoài trách nhiệm hình sự nêu trên, anh bạn còn phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây nên.

Theo đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

Ngoài ra, anh bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người được quy định tại khoản 2 Điều 591 nêu trên. Theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định căn cứ tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.