Người sang đường gián tiếp gây tai nạn có thể bị truy trách nhiệm hình sự

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Theo luật sư, người đi bộ sang đường nhưng không quan sát khiến cho các phương tiện giao thông gây tai nạn, dẫn đến hậu quả chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã thông tin, vào khoảng 7h30 ngày 23/7, đoạn qua cổng trường Tiểu học Lê Đình Chinh, thôn 7, xã Nhân Cơ (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), một người phụ nữ mặc áo xanh đi bộ do thiếu quan sát, bất ngờ băng qua quốc lộ 14.

Do tránh người phụ nữ này, một chiếc xe đầu kéo từ phía sau đã phải đánh lái sang làn đường ngược chiều để tránh. Chiếc xe đầu kéo mất lái tông phải một chiếc ô tô con đang dừng bên đường, và khiến bà P. tử vong do đứng cạnh đó. Vụ tai nạn cũng khiến chiếc xe đầu kéo và ô tô con hư hỏng nặng.

Người sang đường gián tiếp gây tai nạn có thể bị truy trách nhiệm hình sự - 1

Chiếc xe đầu kéo tránh người phụ nữ đi bộ qua đường dẫn đến tai nạn thương tâm (Ảnh cắt từ clip).

Sau khi xem tình huống trên, bạn đọc Dân trí thắc mắc, liệu người sang đường "hớ hênh" như vậy có phải chịu trách nhiệm gì không?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Luật giao thông đường bộ hiện hành đã quy định rất rõ về việc tham gia giao thông của người đi bộ.

Theo đó, khi qua đường mà không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường (Điều 32 Luật giao thông đường bộ 2008).

Trong vụ việc này, tai nạn xảy ra có lỗi của người phụ nữ đi bộ qua đường (người này thiếu quan sát khi sang đường khiến xe đầu kéo phải chuyển hướng để tránh nhưng không may đâm vào xe con, khiến 01 người tử vong). Do đó, cần phải xem xét trách nhiệm của người phụ nữ này. 

Theo đó, Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 không còn bó hẹp trong phạm vi người điều khiển phương tiện, mà đã mở rộng ra cả người tham gia giao thông, tức là kể cả người đi bộ.

Do đó, nếu cơ quan chức năng có kết luận chính thức về việc xác định được: người đi bộ sang đường nhưng không quan sát, không tuân thủ luật giao thông khiến cho các phương tiện giao thông gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự hiện hành với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt sẽ thay đổi tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi trái pháp luật. 

Bên cạnh đó, người phụ nữ phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho chủ xe đầu kéo, ô tô con và bồi thường thiệt hại về tính mạng cho gia đình của bà P. - nạn nhân theo quy định tại Điều 589 và Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.