TP.HCM: “Vỡ mộng” vì đầu tư tiền tỷ vào cây giống “vô sinh” (!?)

(Dân trí) - Hàng chục nông dân đã “vỡ mộng” và lãnh hậu quả chỉ sau chưa đến một năm đầu tư tiền tỷ vào trồng gấc nhưng lại mua toàn cây giống là gấc đực, “vô sinh”. Trong khi đó, nơi cung cấp nguồn cây giống khẳng định: Lỗi tại nông dân không áp dụng đúng khoa học, kỹ thuật trong canh tác gấc…

Nông dân và “canh bạc” trồng gấc !

Thời gian qua, đường dây nóng báo điện tử Dân Trí liên tục nhận được phản ánh của nông dân từ các tỉnh Tiền Giang, Đak Nông, Lâm Đồng… về những thiệt hại sau một thời gian triển khai trồng gấc trên quy mô lớn.

Theo đó, tất cả các nông dân trồng dân mà chúng tôi tiếp xúc đều là đối tác của Công ty CP Nông Nghiệp Đông Phương (137/9 Đường 59, Phường 14, Quận Gò Vấp, Tp.HCM). Theo phản ánh của các hộ nông dân, sau khi tìm hiểu được biết cây gấc là giống cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng nên đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và mua gấc giống về trồng nhưng khi ra hoa thì có hơn 80% là cây đực không cho trái.

Đại diện một số
Đại diện một số
Đại diện một số  hộ nông dân trao đổi, trình bày sự việc với phóng viên Dân trí (Ảnh: Đặng Vy)

Anh Trần Nhật Tân - Phó GĐ Công ty TNHH MTV Thành Phát (Bảo Lộc - Lâm Đồng) là một trong những người bị thiệt hại nặng nhất trong canh bạc cây gấc. Cty Thành phát  đã trồng 35ha gấc từ tháng 09.2014 với tổng vốn đầu tư cho cây giống và làm giàn… khoảng 3 tỷ đồng (chưa tính chi phí chăm sóc hàng tháng). Sau nửa năm theo đuổi cây gấc, anh Trần Nhật Tân đã vỡ mộng với vườn gấc mà cây đực chiếm đa số.

Chị Ngô Thị Kim Anh chủ vườn gấc ở Lâm Đồng đã trồng từ tháng 04.2014 chi phí chị đã bỏ ra mua giống hết 16.000.000 đồng, làm giàn hết 125.000.000 đồng, mỗi tháng chi phí chăm sóc gần 12.000.000 đồng. Theo đuổi giấc mơ gấc, gia đình chị Kim Anh phải cầm cố nhà và đất để vay ngân hàng 430 triệu đồng. Gần một năm trồng trọt, mỗi tháng chị vừa phải trả tiền ngân hàng vừa phải bỏ tiền chăm sóc vườn gấc nên bây giờ kinh tế trong gia đình rất khó khăn, mà vườn gấc thì tính đến nay chỉ cho thu hoạch được gần 16.000.000 đồng.

Ở khu vực Tây nguyên, chị Lê Thị Thủy hiện là một chủ vườn gấc 2ha (hiện đã trồng 1ha) ở huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông cho biết : “ Tôi xuống giống 1.000 cây gấc từ tháng 8.2014. Đền tháng 12.2014 vườn gấc có hiện tượng vàng lá, nấm lá, phấn trắng…. Thêm vào đó 80% số cây trong vườn là cây đực. Đến đầu tháng 3.2015, Cty có cho kỹ sư xuống để ghép cây nhưng tỷ lệ cây cái quá ít nên chỉ có thể ghép được 50 cây… Mặc dù mới trồng có 1.000 cây gấc nhưng tổng số vốn gia đình chị Thủy đổ vào ngót nghét 100 triệu đồng và có nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư. Đây mới chỉ là một vài trường hợp trong số gần một chục trường hợp đã phản ánh với đường dây nóng báo điện tử Dân Trí.

Lỗi tại nông dân?

Đem những thắc mắc,  khiếu nại của nông dân, ngày 27/4, Phóng viên báo điện tử Dân Trí đã có buổi trao đổi, làm việc với Cty CP Nông Nghiệp Đông Phương. Qua đó, ông Trần Văn An - Giám đốc kỹ thuật trồng gấc Công ty CP Nông Nghiệp Đông Phương đưa ra thông tin: Hiện chúng tôi có 30 đối tác, tổng sản lượng thu mua khoảng 400 tấn trái tươi/năm.

Hình ảnh vườn gấc của một
hộ dân
Hình ảnh vườn gấc của một hộ dân  (Ảnh Nông dân cung cấp)

Ông Trần Văn An cũng cho biết: Tỷ lệ thành công trong trồng gấc chiếm 90%, 10% còn lại thất bại do nông dân không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà Cty chúng tôi đã hướng dẫn. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác, từ năm thứ 2 trở đi, mỗi hecta trồng gấc thu về không dưới 200 triệu đồng/ năm. Ông Trần Văn An còn  khẳng định thêm:  “Với kinh nghiệm của chúng tôi, nếu nông dân làm đúng khuyến cáo của công ty, thì sẽ có hiệu quả. Nhưng nếu những hộ nông dân này “bất hợp tác” thì chúng tôi cũng chịu thôi. Những hộ nông dân thất bại trong canh tác gấc là do họ bỏ vườn, thậm chí một số nơi không có nước tưới…”.

Về trường hợp của chị Lê Thị Thủy, ông Trần Văn An cho biết thêm: “Chị Thủy trồng gấc xen với gốc của cây cao su, nên không đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng cho cây gấc phát triển. Sau khi nghe phản ánh, chúng tôi khảo sát lại thì gấc chưa phủ kín giàn, cây chưa phát triển đầy đủ nên chưa thể khẳng định 90% là cây đực”. Về trường hợp của Cty Thành Phát, ông Trần Văn An cho rằng thất bại là do gốc gấc không được phủ rơm ra để giữ ẩm và thiếu nước; đất thiếu dinh dưỡng…

Trong khi đó,  trình bày với báo Dân trí, về những sự việc liên quan đến về khu vườn của mình, chị Thủy cho biết:: Chiều 25/3/2015, anh Trần Văn An - Giám đốc kỹ thuật Cty Đông Phương và phòng nông nghiệp huyện có đến khảo sát vườn của nhà chị. Sau khi thăm vườn thì phía công ty nêu đủ lý do, theo đó thì lỗi gần như toàn bộ thuộc về phía người nông dân, công ty chỉ chọn lựa những cây xấu chụp lại xem như là bằng chứng là vườn của tôi canh tác không đúng kỹ thuật… (!?)

Khi trao đổi về hướng xử lý sắp tới để khắc phục hậu quả, ông Trần Văn An cũng đưa ra hướng khắc phục, rằng:  Những biện pháp khắc phục thì không khó, nhưng yêu cầu các hộ nông dân phải hợp tác và tuân theo các hướng dẫn của chúng tôi. Nếu các hộ nông dân chịu hợp tác thì sẽ có hiệu quả - vị đại diện phía đơn vị cung cấp nguồn cây giống khẳng định thêm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí từ phía các số hộ dân đã là khách hàng mua cây giống của Công ty Phương Đông, thì: Chúng đang chuẩn bị khởi kiện yêu cầu Cty Đông Phương bồi thường thiệt hại - ít nhất 4 hộ dân đã đưa ra “chủ ý” này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến sự việc.

Ân Khoa - Đặng Vy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm