Toà án có quyền hạn chế quyền nuôi dưỡng của cha mẹ bé Nhân Ái
(Dân trí) - Với hành vi, thái độ của bố mẹ Nhân Ái, Viện Kiểm sát, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức bất kỳ đều có quyền đề nghị toà án hạn chế quyền làm cha, mẹ của họ.
Vụ việc của bé Nhân Ái đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong cả nước, nhất là sau khi những người tự nhận là “cha, mẹ” cháu bé xuất hiện. Nhiều bạn đọc băn khoăn: liệu những người làm cha, làm mẹ đã nhẫn tâm bỏ bé lúc hoạn nạn có xứng đáng được nuôi bé?
Để bạn đọc hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của bậc làm cha mẹ đối với con cái, phóng viên Dân trí đã có buổi trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Thưa luật sư, luật pháp hiện nay quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái ?
Theo quy định của Luật Hôn nhân & gia đình năm 2000 thì cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
Như vậy, việc yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích của con là nghĩa vụ của cha mẹ được pháp luật quy định rất rõ ràng.
Thưa luật sư, trong trường hợp của bé Nhân Ái, cha mẹ bé đã vi phạm nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc bé, bỏ rơi con khi bé cần sự chăm sóc thì pháp luật có chế tài nào điều chỉnh đối với hành vi này ?
Trường hợp của bé Nhân Ái cho thấy cha mẹ bé đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người làm cha làm mẹ. Do đó, pháp luật đã có chế tài và quy định rất rõ đối với trường hợp này, đó là hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
Theo qui định của luật, tuỳ từng trường hợp cụ thể, toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm (điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000)
Trong trường hợp bé Nhân Ái, ai là người có quyền yêu cầu toà án tước quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái của cha mẹ bé?
Theo quy định tại điều 42 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì người có quyền yêu cầu toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm: cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác …
Như vậy, có rất nhiều chủ thể có quyền yêu cầu toà án hạn chế và không cho phép cha mẹ bé Nhân Ái được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trong thời gian từ 1 đến 5 năm.
Thưa luật sư, toà án cấp nào có quyền phán quyết đối với việc tước quyền của cha mẹ bé Nhân Ái ?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 và điểm b Khoản 2 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân nhân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là tòa cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết vụ việc nêu trên.
Hiện nay bé Nhân Ái được rất nhiều cá nhân và tổ chức ủng hộ, hỗ trợ tiền, vậy thì khoản tiền này bố mẹ bé nhân ái có quyền quản lý số tài sản này không ?
Nếu cả cha và mẹ bé Nhân Ái bị toà án hạn chế quyền của cha mẹ đối với bé Nhân Ái thì họ không có quyền quản lý tài sản của bé Nhân Ái. Trong trường hợp này, khoản tiền bé Nhân Ái được các nhà hảo tâm và bạn đọc ủng hộ sẽ được giao cho người giám hộ (người được quyền chăm sóc bé Nhân Ái) quản lý.
Thưa luật sư, nếu như vậy thì cha mẹ bé Nhân Ái không có nghĩa vụ gì với bé hay sao ?
Luật hôn nhân và gia đình quy định rất rõ ràng tại điều 43 khoản 3 đó là cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Tức là cha mẹ bé Nhân Ái vẫn phải chu cấp kinh phí để nuôi dưỡng bé Nhân Ái.
Hiện nay, nhà nước ta có chế độ, chính sách gì đối với người sẽ giám hộ, nuôi dưỡngtrẻ chưa thành niên (nếu có) ?
Theo qui định, thì gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi dưới mười tám tháng tuổi thì được hỗ trợ mức kinh phí với mức thấp nhất là 270.000 đồng/trẻ/tháng.
Luật pháp có quy định về điều kiện để được nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không thưa luật sư?
Luật qui định một số điều kiện, như: với cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt; Có thu nhập thường xuyên hoặc không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó. Có chỗ ở ổn định; Tự nguyện nhận nuôi.
Với gia đình muốn nuôi trẻ, điều kiện là gia đình có cả vợ chồng thì vợ chồng đều phải có đủ các điều kiện quy định trong trường hợp đối với cá nhân
Xin cảm ơn luật sư.
Hiện nay, luật pháp chưa có quy định tước quyền nuôi con của cha mẹ.
Trường hợp cháu bé Nhân Ái, cha mẹ sinh con ra mà chưa làm giấy khai sinh cho cháu. Trong trường hợp này, căn cứ Nghị định 69/2006, có thể chuyển quyền nuôi bé cho một cơ sở giáo dưỡng được thành lập hợp pháp chăm sóc và tiến hành thủ tục khai sinh cho cháu.
Nếu có mạnh thường quân muốn nhận cháu làm con nuôi thì phải thông qua cơ sở giáo dưỡng này (khoản 9, Điều 1, Nghị định 69). Nếu mạnh thường quân đã nhận được quyền nuôi cháu từ cơ sở giáo dưỡng, mà sau này cha mẹ ruột muốn nhận lại cháu thì phải có sự đồng ý của cha mẹ nuôi (khoản 1, Điều 34, Nghị định 159).
Nếu trẻ đã có khai sinh, có tên cha hoặc mẹ, mà xác định được nguồn gốc của cha hoặc mẹ thì việc nhận nuôi con phải có sự đồng ý của cha mẹ đó.
Như vậy, duy nhất chỉ có trường hợp trẻ em sơ sinh đã được nhận làm con nuôi thông qua cơ sở giáo dưỡng thì cha mẹ ruột đòi mới không bị bắt buộc phải trả lại con.
Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật