1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ai sẽ được quyền nuôi bé Nhân Ái theo pháp lý?

(Dân trí) - Sự xuất hiện của những người tự nhận là cha, mẹ bé Nhân Ái đã khiến bạn đọc bất bình. Nhiều ý kiến xung quanh việc có nên để họ tiếp tục thực hiện làm cha, mẹ cháu bé hay không? Dân trí trích đăng 3 ý kiến dưới góc độ pháp lý, quản lý:

Ai sẽ được quyền nuôi bé Nhân Ái theo pháp lý? - 1
Bỏ con hơn nửa năm, người đàn ông này mởi trở lại bệnh viện tìm bé Nhân Ái
 
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh - Xã hội):

Vụ việc này giống với trường hợp của cháu bé Hào Anh (Cà Mau). Cha mẹ đã từ chối, bỏ con bơ vơ và bị người khác hành hạ, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc giải cứu, nhiều nhà hảo tâm ủng hộ tiền thì họ quay lại nhận con.

Trường hợp cháu Nhân Ái, hành vi của cha mẹ cháu là rất đáng lên án. Cả 2 còn trẻ, kinh tế không quá khó khăn, trong khi người thân bên nội, ngoại đều có đủ vậy mà họ đang tâm dứt bỏ đứa con mình đẻ ra.

Chúng tôi đề nghị Sở Lao động Thương binh - Xã hội TPHCM hoặc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - nơi đã cưu mang, chữa trị cháu trong những ngày qua đứng ra mở tài khoản để giữ tiền cho cháu bé.

Căn cứ theo luật pháp hiện nay thì không thể tước quyền chăm sóc, nuôi con của những người làm cha, mẹ này. Tuy nhiên, chúng ta có quyền không để bố mẹ cháu giữ số tiền này mà do cơ quan nhà nước như đã nói trên quản lý. Hàng tháng, cơ quan đứng tên chủ tài khoản này sẽ trích ra một số tiền nhất định để cho cha mẹ chăm sóc cháu.

Phía gia đình phải cam kết rằng: Họ phải nuôi con mình một cách tốt nhất như mỗi tháng cháu phải tăng trọng lượng được bao nhiêu kg… Các cơ quan chức năng như Hội phụ nữ, Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em… sẽ giám sát hoạt động chăm sóc Nhân Ái của gia đình. Nếu trong một thời gian mà phát hiện gia đình đối xử không tốt thì có quyền kiến nghị các cấp có biện pháp xử lý.

Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật:

Hành vi của đôi vợ chồng trẻ này vi phạm đạo đức nghiêm trọng, đáng lên án và càng không thể tha thứ nếu xét về phạm trù đạo đức.

Hiện tại, loại bệnh của cháu rất nguy hiểm đến tính mạng, nếu để cháu cho gia đình chăm sóc thì liệu có ổn không và nguy cơ họ lại đem bỏ cháu bé thêm lần nữa là hoàn toàn có thể.

Theo thủ tục nhận con quy định tại Nghị định 158 thì trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở giáo dưỡng, khi cha mẹ ruột muốn nhận lại con thì pháp luật vẫn cho nhận lại nếu cha mẹ chứng minh được mình là cha mẹ đẻ của cháu bé.

Trường hợp cháu bé Nhân Ái, cha mẹ sinh con ra mà chưa làm giấy khai sinh cho cháu. Trong trường hợp này, căn cứ Nghị định 69/2006, có thể chuyển quyền nuôi bé cho một cơ sở giáo dưỡng được thành lập hợp pháp chăm sóc và tiến hành thủ tục khai sinh cho cháu.

Nếu có mạnh thường quân muốn nhận cháu làm con nuôi thì phải thông qua cơ sở giáo dưỡng này (khoản 9, Điều 1, Nghị định 69). Nếu mạnh thường quân đã nhận được quyền nuôi cháu từ cơ sở giáo dưỡng, mà sau này cha mẹ ruột muốn nhận lại cháu thì phải có sự đồng ý của cha mẹ nuôi (khoản 1, Điều 34, Nghị định 159).

Nếu trẻ đã có khai sinh, có tên cha hoặc mẹ, mà xác định được nguồn gốc của cha hoặc mẹ thì việc nhận nuôi con phải có sự đồng ý của cha mẹ đó.

Như vậy, duy nhất chỉ có trường hợp trẻ em sơ sinh đã được nhận làm con nuôi thông qua cơ sở giáo dưỡng thì cha mẹ ruột đòi mới không bị bắt buộc phải trả lại con.

Hiện nay, luật pháp chưa có quy định tước quyền nuôi con của cha mẹ. Trong khi cháu bé chưa có khai sinh, cha mẹ có giấy chứng sinh và các thủ tục về nhân thân hợp lý thì được nhận lại con mà không cần giám định ADN. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt ngược là “chắc gì Nhân Ái đã là con của vợ chồng này”. Vì vậy, cách chính xác nhất vẫn là qua ADN.

Một thẩm phán tòa án TPHCM:

Theo các thông tin báo nêu: Cha mẹ của bé còn trẻ, có điều kiện nuôi con nhưng đã bỏ con ruột của mình thì Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ hoặc cá nhân tổ chức khác... có quyền yêu cầu Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án hạn chế quyền của cha mẹ về việc không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con từ 1 - 5 năm (Điều 41 và Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình).

Công Quang

Dòng sự kiện: Nhật ký bé Nhân Ái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm