Tình tiết định khung với nghi phạm tàng trữ linh kiện lắp súng hơi

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, công an sẽ làm rõ và phân loại 846 linh kiện thu giữ được thuộc những nhóm nào, loại nào được coi là công cụ hỗ trợ để xác định tình tiết định khung phù hợp đối với nghi phạm.

Như đã đưa tin, Nguyễn Minh Tú (26 tuổi, quê Bắc Giang) đang bị Công an huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, tạm giữ để điều tra hành vi chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ.

Theo cơ quan chức năng, Tú là người thường xuyên đăng hình ảnh, thông tin về việc bán các loại súng hơi, súng bắn đạn chì lên các nền tảng mạng xã hội. Nam thanh niên đã bị xử phạt hành chính 2 lần về hành vi tàng trữ súng săn, chi tiết và cụm chi tiết súng săn nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Khám xét nơi ở và kho hàng của Tú, công an thu giữ 3 khẩu súng hơi, 846 linh kiện lắp ráp súng các loại như ống ngắm, nòng súng giảm thanh… cùng nhiều chi tiết, cụm chi tiết và phụ kiện khác. Số linh kiện trên ước tính lắp ráp hoàn chỉnh được khoảng gần 100 khẩu súng săn các loại.

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí nêu thắc mắc, với tang vật bị thu giữ là 3 khẩu súng hơi cùng 846 loại linh kiện các loại, Tú có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Tình tiết định khung với nghi phạm tàng trữ linh kiện lắp súng hơi - 1

Số linh kiện được phát hiện tại kho hàng của Tú có thể lắp ráp được gần 100 khẩu súng hoàn chỉnh (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Pháp luật quy định ra sao?

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản, được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như dao, kiếm, mác, cung, nỏ, phi tiêu… còn vũ khí thể thao là vũ khí được sử dụng để thi đấu, tập luyện thể thao như súng trường hơi, súng bắn đạn nổ hay súng bắn đĩa bay… và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Việc chế tạo, sử dụng, quản lý súng săn, vũ khí thô sơ hay vũ khí thể thao cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Người có hành vi tự ý chế tạo, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí trên có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, tùy thuộc mức độ hành vi vi phạm.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ các tính năng, tác dụng tương tự có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng, bị tịch thu tang vật và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ việc chế tạo vũ khí thô sơ.

Dưới góc độ hình sự, Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự.

Về khung hình phạt, mức phạt cơ bản của tội danh này là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết như có tổ chức, vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn, làm chết người hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác thì tùy thuộc các tình tiết định khung, mức phạt cao nhất người phạm tội có thể đối mặt là 7 năm tù.

Đối với các tình tiết định khung "vật phạm pháp có số lượng lớn" (khoản 2) và "vật phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn" (khoản 3) theo Điều này, ông Tuấn cho biết những tình tiết trên sẽ được hướng dẫn thực hiện bởi Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Theo đó, tình tiết "vật phạm pháp có số lượng lớn" theo khoản 2, Điều 306 Bộ luật Hình sự là trường hợp tang vật thu giữ có số lượng từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, còn tình tiết"vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn" quy định tại khoản 3 Điều 306 Bộ luật Hình sự được áp dụng khi tang vật thu giữ có số lượng từ 101 đơn vị trở lên.

Căn cứ để xác định tình tiết định khung với nghi phạm

Đối chiếu những căn cứ pháp lý trên với thông tin cơ quan chức năng cung cấp, luật sư Tuấn nhìn nhận trong số tang vật thu giữ có gần 3.000 viên đạn. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ chính xác đây là loại đạn nào, được sử dụng cho súng săn, súng thể thao hay các loại vũ khí tương tự khác để phân loại và xác định tình tiết định khung phù hợp.

Đối với số tang vật còn lại, công an cũng sẽ làm rõ trong số này có bao nhiêu linh kiện được coi là công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để xác định khung hình phạt cho nghi phạm.

Tổng hợp các kết quả xác minh nêu trên và kết hợp với tang vật sẵn có là 3 khẩu súng hơi, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy số lượng công cụ hỗ trợ ở mức 11-100 công cụ, khung hình phạt có thể áp dụng sẽ là 1-5 năm tù. Trường hợp con số từ 101 công cụ trở lên, khung hình phạt là 3-7 năm tù còn nếu dưới 11 công cụ hỗ trợ, mức phạt nghi phạm có thể đối diện là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đồng thời sẽ xem xét các quy định tại các Điều 51, 52, 54 và 65 Bộ luật Hình sự 2015 về việc tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu có các tình tiết như có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên theo quy định của Bộ luật này, có nhân thân tốt hay nơi cư trú rõ ràng... nghi phạm có thể được xét xử với khung hình phạt thấp hơn mức phạt bị truy tố.

Hoàng Diệu