Bài học xót xa sau vụ trung uý công an thử súng khiến nam sinh viên tử vong
(Dân trí) - Xung quanh vụ việc trung úy công an Nguyễn Xuân T. trong lúc thử súng vô tình làm một sinh viên trúng đạn, tử vong, ngoài việc bị tước quân tịch, trung uý này còn đối mặt khung hình phạt nào?
Như Dân Trí đưa tin, vụ nam sinh Đại học Giao thông vận tải (GTVT) tử vong do đạn lạc, kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, đây là vụ vô ý làm chết người, không phải do mâu thuẫn, thù hằn cá nhân.
Theo đó, khoảng 22h ngày 30/10, anh Nguyễn Xuân T. mang khẩu súng nén khí (súng hơi) mua trên mạng ra quán nước khoe với một số người bạn.
Anh T. cũng khoe việc, trước đó, mình mang súng này đi bắn chim.
"Theo báo cáo ban đầu, người này không biết trong súng vẫn còn đạn nên trong quá trình khoe, đưa súng lên, bóp cò và đạn nổ.
Sau khi nghe tiếng súng nổ thì người này cũng thấy phía bên kia đường cách khoảng 35 - 40m có nam thanh niên (nạn nhân Đ.A. - PV) đang đứng trước cửa kêu lên, nằm gục xuống...", Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết.
Báo cáo của Công an Hà Nội cho thấy, Nguyễn Xuân T. ngay khi đó đã chạy sang cùng mọi người đưa nam sinh viên đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Đống Đa, nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong.
Nguyễn Xuân T. sau đó cũng đã đến cơ quan công an đầu thú.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, sau sự việc trên, Giám đốc Công an Hà Nội đã quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với anh Nguyễn Xuân T., đồng thời giao Công an quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác, điều tra, làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Trao đổi về vụ việc trên dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đào Thị Liên - Giám đốc công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:
Trường hợp vô ý làm chết người như trên, ngoài việc bị tước danh hiệu công an nhân dân thì lỗi này nằm trong Điều 306 Luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định hành vi sử dụng mua bán trái phép vũ khí làm chết 1 người sẽ phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, ngoài trách nhiệm hình sự phạt tù từ 1 đến 5 năm, trung úy Nguyễn Xuân T. còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, mức bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng, tiền tổn thất về mặt tinh thần… Mức bồi thường thiệt hại cụ thể do hai bên thoả thuận. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được, tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
Cũng liên quan đến việc sử dụng vũ khí sát thương, luật sư Đào Thị Liên cho biết thêm:
Trên thế giới, quyền sở hữu súng đạn của công dân theo quốc gia được phân làm 5 nhóm:
- Không cần cấp phép;
- Được phép;
- Cấp phép sở hữu súng đạn thông qua xét duyệt;
- Cấp phép hạn chế;
- Không được phép.
Việt Nam là quốc gia có chính sách không cho phép quyền sở hữu súng đạn. Tại đất nước chúng ta, việc công dân sở hữu và sử dụng súng đạn là không được phép.
Đây là chính sách của mỗi quốc gia và chính sách này phụ thuộc vào quan điểm của nhà lập pháp, các nhà chính trị.
"Cá nhân tôi ủng hộ chính sách không cấp phép quyền sở hữu súng đạn, bởi súng đạn có khả năng sát thương cao và gây sát thương cho nhiều người, trên diện rộng. Một khi các nguyên tắc sở hữu, sử dụng súng đạn bị lạm dụng hoặc bị xâm phạm thì gây ra những hậu quả về người – là những hậu quả không thể bù đắp bằng bất cứ giá nào.
Động cơ gây án đôi khi chỉ là những bức bối trong đời sống không được giải toả; là những mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết, đối tượng có thể ra tay hành động với những người không quen, nhiều người không quen, nhiều nơi không liên quan…", luật sư Đào Thị Liên nhấn mạnh.
Câu chuyện đang nóng trên các trang báo về việc trung uý công an sử dụng súng hơi làm tử vong nam sinh viên Đ.A, những ngày qua là một minh chứng thêm một lần nữa để xác quyết hậu quả của việc sử dụng súng đạn trái nguyên tắc gây ra khủng khiếp như thế nào.
Về quản lý vũ khí nói chung, súng đạn nói riêng, Quốc hội đã ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017, Luật này được sửa đổi năm 2019 theo đó quy định súng hơi là một loại súng săn thuộc danh mục vũ khi mà nhà nước Việt Nam nghiêm cấm cá nhân được sở hữu.
"Sau sự việc trên, việc bổ sung thêm tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật, kiến thức đối với vũ khí và quản lý, sử dụng vũ khí cần chặt chẽ hơn. Quy định về chế tài hình sự trong Luật Hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí cũng cần nghiêm khắc hơn… đây là vấn đề cần phải xem xét", luật sư Đào Thị Liên bày tỏ quan điểm.