Bạn đọc viết:

Thực trạng làm đau đầu các nhà giáo tâm huyết

(Dân trí) - Tôi là một giáo viên, khi đọc bài viết này tôi thực sự xúc động và nhận thấy rằng em nói hoàn toàn đúng. Thực trạng này đang làm đau đầu cho những nhà giáo có tâm huyết với giáo dục, với các thế hệ mai sau... - bạn đọc Nguyễn Hữu Tài viết.

Thực trạng làm đau đầu các nhà giáo tâm huyết - 1
Thầy giáo dạy văn (ảnh: vietnamtime.org)
 

Ông đồng thời cũng cho hay:

 

Tôi thường nói với các đồng nghiệp rằng: chúng ta hãy dạy học sinh như chính dạy con của mình ở nhà vậy.. Mình phải sống cùng học sinh, hiểu học sinh và xây dựng các giá trị cốt lõi cho các cháu.

 

Tôi thường xấu hổ khi ra đường nghe những lời phàn nàn, thậm chí phê phán cay nghiệt của học sinh và phụ huynh về đạo đức nhà giáo, về "bản lỗi của ngành giáo dục" như em đã nói....

 

Câu trả lời về vấn đề này xin nhường lại cho các vị quản lý, những thầy cô giáo chưa quan tâm đúng mức đến mầm non tương lai... 

 

Nguyễn Hữu Tài:  maitihanh@yahoo.com.vn

 
Cũng từ phía các giáo viên, bạn đọc Binh binh@gmail.com chia sẻ:

 

Là một thầy giáo đang trực tiếp giảng dạy ở một trường THCS, trước hết tôi cảm ơn em có nick Học sinh đã mạnh dạn góp ý . Đúng thật là ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm .

 

Trước tôi còn nhỏ đi học cấp 1, trên lớp có treo bảng ghi 5 Điều Bác dạy. Khi giáo viên vào lớp, tất cả học sinh đứng dậy đọc 5 điều Bác dạy với  đầy đủ ý nghĩa và nội dung. Cứ vậy như mưa dầm thấm lâu vào suy nghĩ và hành động của các em. Kể cả lên cấp THCS cũng vậy. Nay truyền thống đó hình như ta không thực hiện tốt như trước nữa.

 

Hay mỗi bài dạy trước đây đều có liên hệ với thực tế, như tập cho học sinh yêu quý người lao động… Nay cũng bị bỏ qua..... Cứ vậy thì làm sao mà giáo dục học sinh tốt được.Tất cả những thời gian bị bỏ đi đó lại là để cho các em học vẹt, học chay, học hình thức. Giáo viên cũng dạy theo kiểu hình thức là nhiều .

 

Tôi lấy ví dụ như áp dụng CNTT trắc nghiệm, đưa ra lặp đi lặp lại hình thức, học sinh chỉ chú ý khi chuyển mục trên màn chiếu chứ không hiểu tí nào, học sinh khi học chỉ biết thầy cô bảo thế nào thì nghe vậy.

 

Tôi nhất trí phải áp dụng CNTT, nhưng không được lạm dụng quá vì cái gì cũng có mặt trái của nó. Theo tôi ta chỉ nên kết hợp với cách dạy truyền thống là phù hợp. Tôi xem trên trên tivi, thấy  Giáo sư Lê bảo Châu cũng dạy theo cách truyền thống mà.

 

Nói về “bệnh thành tích” thì không biết bao giờ ở ta mới hết được nhỉ? Lắm lúc tôi cũng rất ngượng với học sinh vì chính mình bảo các em làm những điều thật ra là dối trá .....đúng như em học sinh viết ở trên.

 

Chất lượng kém mà cứ đưa lên cho bằng được để đạt chỉ tiêu đầu năm đã đề ra, để giáo viên có thành tích.Tôi nghĩ trong chuyện này đều là giả dối .Vậy tôi đề nghị Bộ GDĐT mỗi đầu năm học chỉ nên đề ra từ 1 đến 2 mục tiêu thôi, chứ mỗi đầu năm học ra nhiều chỉ tiêu và mỗi chỉ tiêu giáo viên chúng tôi đều cảm thấy khó nhớ vì… quá dài là không sát thực tế
 
Thực trạng làm đau đầu các nhà giáo tâm huyết - 2
Cô giáo thân yêu của chúng em (ảnh: hanoi.edu.vn)
 
Từ phía các học sinh, nick HSGS trunghoang1994@gmail.com cũng ngỏ lòng mình với các thầy cô:
 
Mình là 1 học sinh cấp 3 trường chuyên. Cũng có lúc mình đã gọi các thầy cô là “ông”, “bà”, nhưng khi sắp ra trường, trong thâm tâm mình vẫn rất yêu quý các thầy cô.

 

Mình biết thực ra hầu hết các thầy cô đều rất tâm huyết với nghề và quan tâm tới học sinh,  thầy cô bao giờ cũng muốn đứng về phía học sinh. Điều này mình biết qua những lần thầy cô tâm sự, những lần nghe thầy hiệu trưởng nói chuyện: gọi học sinh là bọn trẻ con và thường bảo phải cho chúng nó tự do sáng tạo, tự do học tập, rằng chúng nó đi thi lấy giải thì chúng nó vui là chính, mình chỉ tự hào thay chúng nó thôi.

 

Nhưng nhiều người trong số chúng ta lại không hiểu các thầy cô, lại lợi dụng sự tin tưởng của các thầy cô… Còn thầy cô nhiều lúc lại buộc phải chạy đua cho kịp chương trình, chạy đua thành tích theo chỉ đạo ở trên.

 

Nói chung, mình thấy học sinh và thầy cô đều chỉ như những cái máy làm theo chương trình lập sẵn của những người CHƯA TỪNG ĐỨNG LỚP. Nếu tự do làm việc thì sẽ coi như bị "ra de". Giống như trường mình, 1 trường chuyên luôn cho ra lò những học sinh giỏi, thế mà đến 1 ngôi trường độc lập với đầy đủ  trang bị cho học sinh cũng không thể có sau bao nhiêu năm (?)