Bình Định:

Thực hư việc người nghèo được nhận 4 lạng gạo "đỏ lửa ngày Tết"

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều người dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) phấn khởi, có người đi mua bao bì mới để đến xã nhận gạo. Tuy nhiên, khi đến nơi bà con hụt hẫng vì mỗi người chỉ được nhận... 4 lạng gạo.

Mua bao bì loại 50kg đi đựng gạo, hụt hẫng khi chỉ được nhận... 0,4kg

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc UBND xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) tổ chức cấp bù số gạo trong chương trình cấp phát gạo "đỏ lửa ngày Tết" cho người nghèo, hộ chính sách bị tồn từ 2020 đến 2022. Tuy nhiên nhiều người dân bất ngờ khi mỗi hộ chỉ nhận được 4 lạng (0,4kg) gạo.

Thực hư việc người nghèo được nhận 4 lạng gạo đỏ lửa ngày Tết - 1

UBND xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - nơi xảy ra vụ lùm xùm trong việc cấp phát gạo "đỏ lửa ngày Tết" cho nhân dân (Ảnh: Doãn Công).

Bà N.T.N. (thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) cho hay: "Vào giữa tháng 2 vừa qua, nghe thôn thông báo nhận hỗ trợ bù gạo, ai cũng phấn khởi, có người ra quán mua bao bì mới loại 50kg để đựng. Tuy nhiên, khi đến trụ sở thôn, chúng tôi hụt hẫng vì chỉ được phát 4 lạng gạo. Có người không nhận vì ít quá".

Qua tìm hiểu, trong dịp Tết Nguyên đán các năm 2020, 2021, 2022, UBND xã Tây Giang được UBND huyện Tây Sơn phân bổ gạo để cấp phát hỗ trợ gạo "đỏ lửa ngày Tết" đến người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, khi tổ chức phát gạo, UBND xã Tây Giang cấp thiếu khối lượng gạo hỗ trợ theo quy định, dẫn đến số lượng gạo bị tồn, hư hỏng không thể sử dụng. Đáng nói, sau đó, lãnh đạo xã Tây Giang cho cấp dưới chở số gạo này ra bên ngoài, "gửi" nhà một cán bộ để định giá bán. Điều này khiến không ít cán bộ hưu trí, người dân thắc mắc, nghi vấn nên gửi đơn tố giác dấu hiệu vụ lợi cá nhân đến UBND huyện Tây Sơn.

Sau đó, các ngành chức năng liên quan của huyện Tây Sơn vào cuộc xác minh, kiểm tra, làm rõ. Tháng 11/2022, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Sơn có văn bản thông báo kết luận vụ việc.

Theo đó, UBND xã Tây Giang đã phát thiếu với nhiều trường hợp, dẫn đến lượng gạo cấp trên phân bổ về cho xã này còn tồn kho, tổng cộng 808kg. Đến đầu năm 2023, toàn bộ số gạo này không còn đảm bảo chất lượng (bị ẩm mốc, mọt), không thể cấp phát cho người dân sử dụng.

Thực hư việc người nghèo được nhận 4 lạng gạo đỏ lửa ngày Tết - 2

Bà Trang phải bỏ tiền mua số gạo dư bị hư hỏng để cấp bù cho người dân (Ảnh: Doãn Công).

Để "chữa cháy", UBND huyện Tây Sơn thống nhất tinh thần tự nguyện thực hiện việc bồi thường, khắc phục hậu quả đối với số gạo tồn kho đã hết hạn sử dụng, không dùng được theo đúng mục đích.

Yêu cầu cá nhân bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang, người chịu trách nhiệm chính mua gạo mới đúng số lượng 808kg để thực hiện cấp bổ sung cho các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ gạo thiếu trong dịp Tết Nguyên đán các năm nói trên.

Bồi thường, xin lỗi dân

Theo lý giải của bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang, dịp Tết Nguyên đán năm 2022, cấp trên phân bổ gạo hỗ trợ về cho xã với số lượng nhiều. Tổ cấp phát gạo của xã không kịp cân mà sử dụng xô để định lượng số gạo hỗ trợ, được hộ dân đồng tình.

"Từ trước đến nay, việc cấp gạo cho nhân dân đều làm bằng cách này nên cũng chủ quan. Anh em cũng tâm lý vì nếu cấp thiếu phải bù, thực tế không phải năm nào cũng dư, có năm thiếu phải bỏ tiền túi mua gạo bù. Còn nếu thừa để lại năm sau lỡ thiếu thì lấy bù hoặc các trường hợp đột xuất sẽ lấy gạo này cứu trợ chứ không tư lợi", bà Trang trần tình.

Bà Trang cũng chia sẻ, bản thân bà công tác 23 năm ở xã và tham gia phát gạo từ đó đến nay chứ không phải ngày một ngày hai. "Đây là bài học xương máu với tôi. Sau việc này, với tư cách là người đứng đầu tổ phát gạo, tôi đã nhận hết trách nhiệm và đã khắc phục hậu quả, xin lỗi bà con", bà Trang nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, thừa nhận vụ việc trên và cho biết đã được khắc phục xong nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, tạo dư luận không tốt tại địa phương. Ông Hùng cũng cho rằng để xảy ra vụ việc trên, lãnh đạo UBND xã Tây Giang đã thiếu trách nhiệm, kiểm tra, giám sát.

"Vấn đề ở đây là khi cấp dư số gạo trên, tổ cấp gạo không báo cáo cấp trên để xử lý. Khi phát hiện vụ việc, UBND huyện đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo bà Trang về mặt đảng, chính quyền; yêu cầu bà Trang bồi thường, phát đủ gạo cho người dân được thụ hưởng. Trước khi phát gạo, chúng tôi yêu cầu bà Trang phải xin lỗi bà con vì là người trực tiếp phụ trách đã để xảy ra sơ suất nhưng chậm chỉ đạo xử lý", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, bước tiếp theo, UBND huyện họp bàn, xem xét điều chuyển công tác bà Trang sang bộ phận khác để tránh dư luận không tốt.

Đề nghị kiểm điểm người tố giác

ông T.N.L., người tố giác vụ việc có dấu hiệu vụ lợi cá nhân tại xã Tây Giang này đến UBND huyện Tây Sơn không đồng tình với cách xử lý của UBND huyện.

Ông L. cho rằng tổ kiểm tra của UBND huyện có dấu hiệu bao che. "Trong dịch bệnh Covid-19, các cấp chính quyền kêu gọi vận động từng gói mì tôm, ký gạo để cứu trợ. Vậy vì sao số gạo tồn này để ở đâu không đưa ra cứu tế, lại để dành đến năm 2023 đem bán để tư túi cá nhân. Sự việc bị phát hiện, bà Trang phải mua gạo mới đền cho dân", ông L. nói.

Cũng theo ông L., sau khi ông tố giác vụ việc, UBND huyện Tây Sơn đã làm việc và đề nghị kiểm điểm vì cho rằng ông là đảng viên nhưng khiếu nại vượt cấp. "Tôi báo cáo, tố giác vụ việc đến UBND huyện nhưng sau 3 tháng không xử lý dứt điểm nên mới báo cáo lên tỉnh. Ở góc độ nào đó, tôi có thể sai nhưng cốt lõi là đấu tranh chống tham nhũng", ông L. nói thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm