Thiếu lịch sự trong giao tiếp
Đang còn du học ở Trung Quốc, nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi tin tức để biết được tình hình ở nhà. Nước ta với Trung Quốc chỉ cách nhau một dải sông hẹp, nhưng có nhiều điều đáng để so sánh và suy ngẫm.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Một nhân viên khi mới vào nghề, không phải học làm thế nào để đối xử với khách, mà họ được học đầu tiên là làm thế nào để kính trọng khách hàng một cách lịch sự nhất. Dân ta cứ bảo, sao đi du lịch TQ bị dụ dỗ mua nhiều đồ thế, không phải là bị dụ dỗ mà thái độ phục vụ của các nhân viên nước bạn khiến bạn hài lòng, và dĩ nhiên khi tư tưởng mình thoải mái, bạn có thể mua bất cứ thứ gì mặc dù bạn không thích và tại VN những thứ đó đều không thiếu.
Khi vào những cửa hàng bán quần áo của khu đi bộ, bạn có thể thoái mái thử bất cứ những gì bạn thích, nếu bạn không mua, nhân viên phục vụ vẫn có thái độ niềm nở với bạn, nhưng khi bạn ra khỏi cửa hàng, thái độ của người ta đối với mình thế nào thì đó lại là chuyện khác, bởi vì một lẽ trước mặt mình nhân viên vẫn làm hết khả năng của mình để tôn trọng khách hàng. Tôi nhớ có 1 lần ở VN, thử đến chiếc áo sơ mi thứ 3 của một cửa hàng quần áo tại 1 toà trung tâm mua bán giải trí ngay giữa HN, thái độ của nhân viên đã thay đổi, khi tôi chỉ chọn 1 chiếc ca vạt, trả tiền xong tôi đi ra, thậm chí không có 1 câu “Cảm ơn quý khách” hay đại loại như thế. Nếu ở TQ bạn có thể nhận được lại 1 câu như: “Mong quý khách quay lại” dù bạn có mua hay không mua đi chăng nữa.
Tôi không muốn so sánh và đánh giá thấp về VN nhưng điều này chắc không ít bạn gặp phải.
Tôi có một người bạn Nhật, khi còn học chung ở TQ với nhau, anh ta bảo có một lần cùng gia đình sang VN du lịch để đến Hội An, khi bay đến cửa khẩu kiểm tra Hải quan, điều hắn ấn tượng nhất chính là khuôn mặt nghiêm chỉnh đến lạnh lùng của các nhân viên Hải quan. Thử hỏi, khi người nước ngoài đầu tiên đến VN, những ai là người tiếp xúc đầu tiên với họ? Hắn bảo tôi ở VN, nhân viên Hải quan có nét mặt "nghiêm lạnh đến phát sợ", tôi bèn chữa ngượng bằng cách bảo rằng, chắc bạn chỉ gặp một người nào đó đang buồn bực chuyện gì đó thôi, chứ thật ra không dám bảo chính tôi cũng rất nhiều lần gặp tình huống vậy.
Việt Nam ta ngày càng phát triển, các khu du lịch và khu vui chơi giải trí mở ra ngày càng nhiều, các hình thức thu hút khách cũng như quảng bá sẽ trở nên vô tác dụng khi mà những nhân viên phục vụ, những người gây ấn tượng đầu tiên với khách nước ngoài vào VN vẫn giữ nguyên thái độ "nghiêm nghị, bảo thủ" đến phát sợ như vậy. Dù có quảng cáo đến thế nào, cũng không thể bằng để cho chính họ tự tìm hiểu, tự khám phá về VN và khi về nước họ lại quảng cáo cho bạn bè đồng nghiệp cũng như người thân xung quanh họ. Chắc hẳn, các cơ quan quản lý, các nhân viên phục vụ vẫn chưa hiểu được câu nói: "Một đồn mười, mười đồn trăm" mà ông bà ta vẫn nhắc.
LTS Dân trí- Từ xưa, ông cha ta đã dạy: “Lời nói không mất tiền mua…”, huống chi thời nay, nhiều loại dịch vụ ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, điều đó cũng có nghĩa là sự giao tiếp giữa người và người ngày càng phát triển, cho nên mọi người đều cần có thái độ niềm nở, lịch sự trong giao tiếp.
Những người làm việc ở các đầu mối giao dịch như nhân viên hải quan, hay người bán hàng càng cần có văn hóa giao tiếp, làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhưng trong thực tế vẫn còn không ít nhân viên thuộc các lĩnh vực dịch vụ để lại những ấn tượng buồn như bài viết trên đã phản ảnh. Điều đó cần được rút kinh nghiệm để phục vụ khách hàng tốt hơn và cũng là để làm ăn ngày càng tiến tới.