Ba phút cùng luật sư:
Dịp tết, đốt pháo chơi có thể bị xử lý như thế nào?
(Dân trí) - Dù nhà nước đã cấm đốt pháo từ lâu nhưng nhiều người vẫn xem thường quy định này và sử dụng pháo trong dịp tết. Theo luật sư, hành vi này có thể bị xử lý hình sự chứ không chỉ phạt hành chính.
PV: Thưa luật sư, một bạn đọc có gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Được biết là nhà nước đã cấm đốt pháo. Nhưng trong dịp tết tôi thấy nhiều người vẫn hay mua và sử dụng pháo. Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào vậy báo Dân trí?”. Xin luật sư tư vấn cho bạn đọc!
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Xin chào bạn đọc báo Dân trí,
Theo quy định tại mục III, thông tư liên tịch số 06/2008 giữa Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, hành vi sản xuất pháo nổ; vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ dù là trong nước hay mua bán, vận chuyển qua biên giới đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội danh khác nhau.
PV: Còn người dân mua pháo về đốt chơi cho vui trong mấy ngày tết thì bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Thông thường chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng người dân nếu đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS.
Cụ thể là: Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người; Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác…; Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác; Đốt pháo nổ với số lượng từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo; Nếu đốt pháo nổ dưới số lượng trên nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà tái phạm.
PV: Còn trong trường đốt pháo mà gây cháy nhà, ảnh hưởng đến tính mạng của người khác thì bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Trong trường hợp này, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 BLHS, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác, tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra.
Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng”, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 104 BLHS.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư đã tham gia chương trình!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)