3 phút cùng luật sư:

Thất nghiệp do Covid-19 sẽ được hưởng gì từ bảo hiểm xã hội?

Nguyễn Quang Thanh Thanh

(Dân trí) - Nếu không may bị mất việc vì dịch Covid-19, người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Covid-19 đã gây ra nhiều hệ luỵ, trong đó làm cho rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể hoặc buộc cắt giảm lao động. Nếu trong trường hợp người lao động không may bị mất việc trong những trường hợp này mà trước đó có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo như thế nào?

Để hiểu rõ về vấn đề này, mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH DC Counsel để được giải đáp.

Người lao động và quyền lợi hưởng bảo hiểm khi thất nghiệp

Thưa luật sư, khi nào thì người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp? 

L.s Nguyễn Đức Chánh: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện: 

Thứ nhất, phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thứ hai, phải đủ điều kiện về thời gian đóng BHTN:

- Đối với người lao động có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn: Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Đối với người lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng: Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Thất nghiệp do Covid-19 sẽ được hưởng gì từ bảo hiểm xã hội? - 1

Thứ ba, người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. 

Và cuối cùng, người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Thất nghiệp do Covid-19 sẽ được hưởng gì từ bảo hiểm xã hội? - 2

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (bên trái) trao đổi cùng PV Dân Trí

Cụ thể thì người lao động sẽ được hưởng bao nhiêu tiền và trong thời gian bao lâu thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: 

Mức hưởng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Lưu ý: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Về thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Cần đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động thì có vi phạm pháp luật không thưa luật sư? 

L.s Nguyễn Đức Chánh:

Về trách nhiệm hành chính: Theo khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020 của Chính phủ thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hình sự: Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp “Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” hoặc “Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động”, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm