3 phút cùng luật sư: Cần loại bỏ ngay ý tưởng làm bằng lái xe giả!
(Dân trí) - Bị tịch thu giấy phép lái xe và bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu dùng bằng lái giả.
Hiện nay, việc làm và sử dụng bằng lái xe giả đã không còn xa lạ nữa. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn kéo theo nhiều hệ lụy trong vấn đề giao thông. Vậy cụ thể hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào theo pháp luật?
Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1- Việc xử phạt hành vi làm và sử dụng bằng lái xe giả có sự khác biệt đối với các phương tiện khác nhau như xe máy, xe ô tô, xe tải, tàu, thuyền... không thưa luật sư? Nếu có thì cụ thể hình thức xử phạt cho bằng lái của các loại phương tiện này là như thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Giấy phép lái xe (hay được thường gọi là bằng lái xe) giả được hiểu là giấy phép không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định và không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp.
Đối với từng loại phương tiện di chuyển khác nhau, sẽ được điều chỉnh bằng những quy định, văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, việc xử phạt hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả cũng sẽ khác nhau theo từng loại phương tiện.
Đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ sẽ được điều chỉnh bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, tùy thuộc vào loại phương tiện mà người tham gia giao thông điều khiển khi sử dụng giấy phép lái xe giả, sẽ có những mức xử lý vi phạm khác nhau. Cụ thể, tại khoản 5, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 21 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
- Đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
- Đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh: phạt từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
- Đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
- Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm sẽ bị tịch thu giấy phép lái xe giả. Đồng thời, đối với Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Đồng thời, tại khoản 14 Điều 33 của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) quy định: người nào sử dụng giấy phép lái xe giả ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm,
Ngoài ra, nếu người nào sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm với tội danh: Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chứcđược quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
2- Ngoài người sử dụng bằng lái giả, người hoặc đơn vị nhận làm bằng lái giả cho người khác sẽ bị xử phạt như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Đối với các tổ chức/cá nhân có hành vi làm giả giấy phép lái xe, đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Tùy thuộc vào từng trường hợp vi phạm cụ thể, các tổ chức/cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức, tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, thu lợi bất chính, ... người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến tối đa 07 năm. Đối với hình thức phạt tù người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
3- Cũng có nhiều trường hợp tuy bằng lái là thật nhưng hình thức lại là gian lận bằng nhiều cách như nhờ người thi hộ hoặc hối lộ, đút lót để được thông qua. Vậy nếu quá trình gian lận này bị phát hiện thì những người thực hiện gian lận sẽ bị xử phạt như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Đối với trường hợp thí sinh thực hiện các hành vi gian dối trong quá trình sát hạch, tại điểm đ khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 27 của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) quy định: Thí sinh mang điện thoại hoặc thiết bị truyền tin trong phòng sát hạch lý thuyết, trên xe sát hạch hoặc có các hành vi gian dối khác làm sai lệch kết quả sát hạch sẽ bị đình chỉ làm bài, hủy bỏ kết quả sát hạch.
Đối với trường hợp thí sinh gian dối và được cấp mới giấy phép lái xe: Theo quy định tại khoản 14 Điều 33 của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) quy định: Người nào có hành vi gian dối để được cấp mới giấy phép lái xe thì giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Thư Quỳnh - Nguyễn Quang