3 phút cùng luật sư: Đòi nợ online coi chừng "tiền mất tật mang"!

(Dân trí) - Đòi nợ online bằng cách đăng hình ảnh con nợ lên mạng xã hội có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Hành vi đăng hình ảnh của con nợ lên các trang mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật

Hành vi đăng hình ảnh của con nợ lên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram... để đòi nợ có bị xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì hành vi này sẽ vị xử phạt thế nào?L.s Nguyễn Đức Chánh: Việc đăng tải hình ảnh của con nợ lên các trang mạng xã hội mà không có sự đồng ý của họ thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Hành vi trên sẽ bị xử phạt như sau: ngoài việc buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. (điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101; khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). 

Về dân sự thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 32 BLDS).

3 phút cùng luật sư: Đòi nợ online coi chừng tiền mất tật mang! - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên báo Dân Trí

Trong một số trường hợp, dù đã đăng hình ảnh con nợ lên mạng xã hội nhưng vẫn không đòi được tiền nên những chủ nợ đăng luôn hình của người thân chủ nợ. Hành vi này có phải là tình tiết tăng nặng tội không thưa luật sư? Nếu có thì cụ thể như thế nào?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Hành vi này có thể được xem là tình tiết tăng nặng theo quy định xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.  Cụ thể, thuộc trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần (trường hợp thực hiện hành vi vi phạm mà trước đó đã thực hiện nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hạn xử lý).

Nếu những người đăng bài không phải là chủ nợ mà là đơn vị trung gian, nhận đòi nợ thuê thì có vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì khung hình phạt có gì khác so với việc chủ nợ đăng bài?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Nếu việc đăng tải hình ảnh của con nợ là không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự của con nợ và không có sự đồng ý của con nợ thì những người đăng bài là đơn vị trung gian, nhận đòi nợ thuê thì vẫn vi phạm pháp luật. 

Có một số trường hợp chủ nợ hoặc đơn vị trung gian, nhận đòi nợ thuê đăng cả hình với đăng nội dung như: “Truy tìm đối tượng lợi dụng lòng tin vay tiền trốn nợ” hay “nội dung cảnh báo lừa đảo.”…. Đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác. Những hành vi này có thể bị truy trách nhiệm hình sự về Tội Vu khống theo Điều 156 hoặc Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).  

3 phút cùng luật sư: Đòi nợ online coi chừng tiền mất tật mang! - 2

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên báo Dân Trí

Có biện pháp nào giúp người cho vay có thể lấy lại được tiền mà không vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Khởi kiện ra Tòa án để tranh chấp Hợp đồng vay tài sản theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Ký hợp đồng dịch vụ đòi nợ với Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Đối tượng là những khoản nợ có đầy đủ các yếu tố:

+ Có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp;

+ Đã quá hạn thanh toán.

+ Không thuộc trường hợp: các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang