Những “lình xình” tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên:
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc
(Dân trí) - Trước những tố cáo của công dân đối với ông Trần Trung - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã vào cuộc nhằm làm rõ những nội dung tố cáo nói trên.
Cụ thể, theo đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng cùng hồ sơ tài liệu gửi kèm chứng minh, ông Ngô Thanh Bình đã chỉ rõ công tác thu chi tài chính của nhà trường nhiều năm qua có “vấn đề”? Ngày 6/6/2011, Hiệu trường Trần Trung ký Quyết định số 392/QĐ-ĐHSPKTHY về việc qui định mức học phí năm học 2011-2012, qui định mức thu học phí đối với Đại học chính qui là 395.000đ/tháng. Nhưng lớp Công nghệ thông tin thu 7.500.000đ/5tháng và lớp Quản trị kinh doanh thu học phí 2.425.000đ/5 tháng như vậy là vượt trần quy định.
Bởi theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm 2014-2015 thì mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo của nhóm ngành “Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn,du lịch mức học phí năm 2010-2011 là: 310.000 đ; năm 2011-2012 là: 395.000đ, năm 2012-2013 là: 480.000 đ; năm 2013-2014 là: 565.000đ và năm 2014-2015 là: 650.000đ”. Cá biệt, ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh tại trường có hai loại điểm trúng tuyển và hai loại học phí trong cùng một lớp học (điểm trúng tuyển thấp thì đóng học phí cao hơn 90.000đ/tháng)?
Cũng liên quan đến lĩnh vực quản lý tài chính, hàng loạt các phiếu thu chi của Trung tâm Hưng Yên APTECH công nghệ thông tin và truyền thông trực thuộc Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên hé lộ nhiều vấn đề nghi vấn, với nhiều khoản mục chi sai nguyên tắc?
Trước đó, nhiều sinh viên trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã bức xúc phản ánh trước việc nhà trường thu tiền 500.000đ/năm nhưng lại chỉ được nhận hóa đơn trắng, không có dấu đỏ. Mục đích thu tiền cũng không được nhà trường giải thích rõ ràng. Nhà trường giải thích việc thu tiền này nhằm tăng cường nhận thức công nghệ, kỹ năng thực hành và giáo dục toàn diện cho sinh viên. Nhiều sinh viên cho rằng, việc áp dụng thu tiền đối với cả sinh viên mới vào trường và sinh viên sắp tốt nghiệp là không hợp lý, vì những đối tượng mới vào trường chưa được thực hành nhiều, còn những đối tượng sắp tốt nghiệp thì đang chuẩn bị đồ án, không còn đi thực hành nữa.
Ngoài ra, ông Bình cũng phản ánh trong suốt quá trình theo học tại trường ngoài học phí cao vượt trần quy định, sinh viên của trường còn buộc phải đóng nhiều loại như tiền giấy thi, tiền giấy nháp, tiền học lại, tiền thi lại, tiền phôi bằng, tiền học cải thiện, tiền chứng chỉ các loại chuẩn đầu ra. Nhà trường đặt ra quy định chứng chỉ chung bắt buộc cho toàn trường đó là Chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC cho sinh viên các ngành không chuyên ngữ, IELTS cho các sinh viên chuyên ngữ. Ngoài chứng chỉ tiếng Anh, sinh viên còn phải đóng tiền và thi ít nhất 2-3 chứng chỉ chuyên môn khác. Điều đáng nói, các chứng chỉ tiếng Anh TOIC, IELTS đều do ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tự tổ chức thi và cấp!? Vậy ai sẽ công nhận thứ chứng chỉ ngoại ngữ này của sinh viên khi ra trường?
Vũ Văn Tiến