Thanh Hóa: Loạn các cơ sở chế biến dăm gỗ không phép

(Dân trí) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện hàng loạt nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm tự phát. Nhiều nhà máy, cơ sở xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp, tuy nhiên tình trạng này chưa được chính quyền địa phương và các ngành chức năng xử lý dứt điểm.

Nhà máy, cơ sở chế biến dăm gỗ “mọc lên như nấm”

Nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước, nâng cao thu nhập cho người dân trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngày 1/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN, phê duyệt phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014- 2020.

Xưởng gỗ dăm trái phép tại Xuân Bình, huyện Như Xuân
Xưởng gỗ dăm trái phép tại Xuân Bình, huyện Như Xuân

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng chục nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản. Nhiều nhà máy, cơ sở này đều xây dựng tự phát, không phép. Tại huyện Như Xuân có tới 4 hộ xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm trái phép trên đất nông, lâm nghiệp, nằm trong hành lang đường bộ...

Cụ thể, hộ ông Nguyễn Quốc Kỳ, thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh chuyển nhượng cho ông Lê Khắc Bảy, thôn Sông Xanh 700m2 đất lâm nghiệp nhưng không được chính quyền xác nhận. Đến nay, hộ ông Bảy đã và đang xây dựng xưởng chế biến lâm sản khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, vi phạm hành lang đường Hồ Chí Minh. Do xây dựng trái phép, hộ ông Bảy đã bị chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ thi công.

Tương tự, trên địa bàn xã Xuân Bình cũng có đơn vị đã tự ý san lấp, xây dựng một hệ thống dây chuyền, máy móc, thiết bị, bàn cân phục vụ cho việc băm dăm rất quy mô... Việc vi phạm của đơn vị này diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền sở tại lại không hề hay biết. Đến khi người dân phản ánh thì các cấp chính quyền mới kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ, di dời. Tuy nhiên việc xử lý kiểu “dơ cao đánh khẽ” của chính quyền địa phương và ngành chức năng khiến dư luận bức xúc.

Theo ông Lê Sỹ Nghiêm - Chủ tịch UBND huyện Như Xuân thì thời gian qua trên địa bàn huyện có tình trạng các hộ gia đình và công ty xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm không phép. Huyện đã chỉ đạo các phòng liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ công trình. Đến thời điểm này các đơn vị chưa chấp hành, huyện sẽ có phương án cưỡng chế trong thời gian tới.

Cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn huyện Như Thanh
Cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn huyện Như Thanh

Tại huyện Như Thanh cũng có tình trạng tương tự. Theo ghi nhận, tại khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, hộ ông Nguyễn Văn Thành đã tự ý san lấp khu vực đất lâm nghiệp hơn 3.000 m2, xây dựng lắp ráp xưởng băm dăm trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương cũng như huyện vào cuộc xử lý nhưng xưởng này vẫn xây dựng, hoàn thiện việc lắp ráp máy móc. UBND huyện Như Thanh cũng đã ban hành công văn chỉ đạo xử lý cơ sở này.

UBND tỉnh chỉ đạo xứ lý những cơ sở vi phạm

Trước tình trạng lộn xộn trong hoạt động sản xuất dăm gỗ trên địa bàn, ngày 22/1/2016, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Sở như: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thuế, UBND huyện, thị, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động, sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các đơn vị căn cứ quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường, nội dung dự án đầu tư và các quy định có liên quan, xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời có ý kiến đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.

Theo ông Lê Văn Đốc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Chỉ xem xét các đơn vị có tận dụng việc chế biến lâm sản sau đó khi không thể sử dụng được mới chuyển qua băm. Việc chuyên chế biến dăm gỗ thì hiệu quả khai thác, tận dụng cây lâm nghiệp không cao bởi chủ yếu dùng gỗ nhỏ, non hiệu quả thấp; người dân thường xuyên khai thác cây trước độ tuổi, rất dễ xảy ra tình trạng trộm cắp lâm sản.

Gỗ keo có tuổi đời còn thấp đã được khai thác
Gỗ keo có tuổi đời còn thấp đã được khai thác

Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Sở là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về việc cấp phép đầu tư các dự án chế biến lâm sản, băm dăm. Hiện tỉnh đang giao cho Sở kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn".

Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo, ngày 24/2/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản 542/SKHĐT-KTĐN gửi các sở, ngành, đơn vị có liên quan, trên cơ sở văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị và căn cứ tình hình thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các dự án chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, ngoài 28 công ty, hợp tác xã bị “sờ gáy” trong đợt kiểm tra này, còn có rất nhiều đơn vị khác trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy... chưa được cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra khiến dư luận đặt câu hỏi về việc xử lý không minh bạch của các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Trần Lê - Phương Hóa