Bài 5:
Thanh Hoá: Công văn “lạ” của vị giám đốc Sở bị tố “trả đũa” doanh nghiệp
(Dân trí) - Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét những nội dung vu khống Sở Xây dựng của ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, nội dung công văn có những điều “không bình thường”…
Theo đó, ngày 24/6, ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng (SXD) ký công văn số 3282/SXD-HĐXD gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét những nội dung vu khống SXD của ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Thanh Hóa.
Ông Việt cho rằng, thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Đệ thay mặt HHDN có kiến nghị với lãnh đạo tỉnh nhiều nội dung vu khống SXD. Cụ thể, về nội dung ông Nguyễn Văn Đệ nói SXD kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Huy Lâm. Trong phần báo cáo nội dung này với Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc SXD chỉ đề cập lần sau cùng DNTN Huy Lâm nộp hồ sơ là ngày 13/6, còn 2 lần trước (ngày 10/3 và 15/3) không được Giám đốc SXD đề cập, phải chăng là để lấp liếm cho việc mà HHDN “tố” SXD kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ cho DNTN Huy Lâm?
Trong công văn 3282 của SXD nhắc đến việc sau khi HHDN có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, ông Việt đã 3 lần mời ông Đệ sang làm việc (2 lần bằng điện thoại và một lần bằng văn bản) nhưng ông Đệ đều từ chối. Theo ông Đệ, nguyên nhân là do trước đó, tại cuộc làm việc ngày 18/6, ông Việt thiếu thiện chí, không cầu thị lắng nghe doanh nghiệp (DN), thậm chí có thái độ quy chụp, đổ thừa cho DN.
Chủ tịch HHDN cho rằng, nếu ông Việt thực sự vì DN, tại sao không chủ động đến gặp DN để tìm hiểu sự việc, tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn? Việc mời DN lên làm việc theo kiểu mệnh lệnh hành chính, chứng tỏ ông Giám đốc SXD có biểu hiện quan liêu. Hơn nữa, ông Đệ cho rằng, vấn đề đã được báo cáo tới Chủ tịch UBND tỉnh nên để Chủ tịch tỉnh giải quyết.
Nguyên tắc đề cập trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Về nội dung ông Đệ có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Xây dựng và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN trên địa bàn tỉnh…kiến nghị, SXD ngày 21/6 tiến hành thanh tra xử lý việc xây dựng không phép các hạng mục công trình của Tổng công ty CP Hợp Lực và các công trình của người thân trong gia đình ông Đệ là có ý đồ trả đũa ông Đệ, vì ngày 20/6 ông Đệ ký văn bản số 58/HHDN phản ánh SXD.
Vấn đề này, HHDN tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND cho rằng, Giám đốc SXD “tố” Chủ tịch HHDN tỉnh vu khống SXD là hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có dấu hiệu vu khống, tố cáo ngược Chủ tịch HHDN tỉnh. Thực tế, văn bản số 58/HHDN ngày 20/6 và văn bản số 63/HHDN ngày 23/6 của HHDN đã được 8/8 vị Thường trực Hiệp hội thống nhất. Ông Đệ ký các văn bản trên với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng DN chứ không phải cho cá nhân ông Đệ. Nội dung văn bản số 58/HHDN đều có chứng lý thuyết phục.
Hơn nữa, những vi phạm về trật tự xây dựng của DNTN Huy Lâm cũng như Tổng công ty CP Hợp Lực, các DN đã ký vào biên bản làm việc của đoàn kiểm tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các quy định của pháp luật. HHDN cho biết, sẽ có trách nhiệm đôn đốc các DN khắc phục các vi phạm, chấp hành tốt các quy định về trật tự xây dựng.
Ông Đệ cho biết, văn bản số 3282 của SXD nói ông Đệ vu khống SXD được gửi đến tất cả 27 huyện, thị, thành phố và tất cả các Sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa. HHDN cho rằng, đây là hành động theo hình thức “rải truyền đơn” thóa mạ người khác, có biểu hiện tiếp tục "trả đũa" cá nhân của người đứng đầu SXD.
Là tỉnh ủy viên, trong bất kỳ tình huống nào, ông Việt cần phải có ý thức, trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tôn trọng, lắng nghe người dân và DN chứ không phải dùng quyền lực nhà nước để trả thù cá nhân.
Văn bản số 3282 của SXD còn được gửi tới Công an tỉnh Thanh Hóa. Một việc làm cho thấy Giám đốc SXD có ý định hình sự hóa sự việc. Trong khi đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã nhấn mạnh, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.
Một điều rất lạ lùng được thể hiện ngay phần mở đầu công văn là SXD nhận được giấy mời số 63/GM-HHDN ngày 23/6 của HHDN tỉnh Thanh Hóa mời dự buổi họp mặt báo chí DN với chủ đề “báo chí đồng hành cùng DN”.
Nội dung giấy mời số 63 của HHDN Thanh Hóa nêu rất rõ, đây là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà báo cùng nhau trao đổi, thảo luận về vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đề xuất giải pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan báo chí với cộng đồng DN nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đúng với tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.
Không hề đề cập đến các nội dung, trong đó có vấn đề giữa Chủ tịch HHDN với SXD như văn bản số 3282 của SXD liệt kê. Trong nội dung báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Việt cho rằng, hoạt động của HHDN tỉnh mà ông Đệ là người đại diện phải có sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng SXD chưa nhận được thông tin nào chứng tỏ Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho ông Đệ tổ chức hội nghị nêu trên.
Không lẽ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phải báo cáo SXD việc cho phép HHDN tổ chức một hoạt động nào đó? Mục đích của chương trình gặp mặt đã ghi rõ trong giấy mời, đó là “báo chí đồng hành cùng DN” để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhưng thật nực cười khi SXD lại kết luận, việc làm của ông Đệ có biểu hiện ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh. Xin nhấn mạnh rằng, việc tổ chức hội nghị gặp gỡ báo chí và các văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là của HHDN - một tổ chức xã hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập chứ không phải của cá nhân ông Đệ.
Văn bản 3282 và phát biểu của ông Việt tại phiên họp HĐND tỉnh Thanh Hóa đều đề cao vấn đề trách nhiệm của SXD trong việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 17/2 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, không ít dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do chính SXD làm chủ đầu tư với số vốn từ 10 tỷ đến hàng trăm tỷ có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng và dở dang, chậm tiến độ. Điển hình như đoạn đường có chiều dài gần 1km nằm trong Dự án Nhà tang lễ Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng đưa vào sử dụng được vài năm đã phải đào lên làm lại; dự án nhà ở sinh viên được đầu tư với tổng nguồn vốn từ dự án trái phiếu Chính phủ, nhưng chỉ được gần 2 năm rầm rộ thi công, dự án cụm nhà sinh viên tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa bị bỏ hoang; hàng loạt nhà máy băm dăm “mọc lên như nấm” trên địa bàn Thanh Hóa mà chưa được cấp phép xây dựng đã được dư luận phản ánh thời gian qua…
Vậy trách nhiệm của SXD Thanh Hóa đến đâu trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10? Dư luận có quyền đặt câu hỏi về năng lực quản lý Nhà nước của đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản…
Liên quan đến dự án Khu bể bơi thể thao dưới nước và vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành của DNTN Huy Lâm, sau gần 4 tháng chưa được thẩm định cấp phép xây dựng, mới đây, sau khi đi thăm công trình này, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo SXD trong vòng 5 ngày làm việc phải hoàn thành hồ sơ thẩm định cấp phép cho DN tiến hành thực hiện dự án.
Duy Tuyên