Thanh Hóa:

Thanh Hóa: Bán đất trên giấy, thu tiền làm trích lục vô tội vạ!

(Dân trí) - Bán đất trái thẩm quyền từ nhiều năm trước khiến cho dân không có sổ đỏ. Để hợp thức hóa số đất trên người dân phải nộp cho xã một khoản tiền “phí” gọi là “phí làm trích lục”. Không những vậy, mảnh đất họ mua trước đây đã bị “dịch” ra vị trí khác chứ không phải là vị trí ban đầu.

Theo phản ánh của một số hộ dân mua đất tại cánh đồng Son (xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) thì họ vô cùng bức xúc và bất ngờ trước việc phải đóng hai lần tiền cho một mảnh đất họ đã mua trước đó.

Một người dân có đất tại cánh đồng Son cho biết: “Chúng tôi mua mảnh đất này từ hơn chục năm trước. Khi đó, chúng tôi đã đóng đủ tiền rồi, nhận đất rồi nhưng không được xã làm trích lục. Bây giờ khi thấy nhiều gia đình làm được trích lục nên tôi trở về nhờ xã làm thì được cán bộ địa chính cho biết chúng tôi phải đóng tiền lần nữa. Tiền này họ bảo là tiền làm trích lục đất, tiền cho người đo đạc, tiền nọ tiền kia… cứ 2,5 triệu/m (bề ngang), diện tích bao nhiêu cứ thế mà nhân lên. Nhà tôi có 4 m bề ngang thì phải đóng 10 triệu”.

“Không những phải đóng tiền cho việc làm trích lục đất một cách vô lý, mảnh đất chúng tôi mua trước đó cũng không còn được ở đó như trước đây nữa mà ở một vị trí khác. Người ta bảo chia lần lượt, nhà ai đo trước thì người đó được ở đất phía trước” - một người dân khác cho biết.

100 lô đất bên quốc lộ thuộc xã Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) chỉ bán trên...giấy
100 lô đất bên quốc lộ thuộc xã Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) chỉ bán trên...giấy

Cũng theo phản ánh thì điều mà nhiều người dân băn khoăn và nghi ngờ “không minh bạch” ở chỗ việc thu tiền không có biên lai, giấy tờ thu gì.

Trong vai một người có đất được mua nhiều năm trước chưa có trích lục, chúng tôi đã gặp bà Đoàn Thị Hợp, cán bộ địa chính xã Quảng Phong để hỏi về quy trình và cách thức làm trích lục. Đúng như những gì mà các hộ dân phản ánh, bà Hợp cũng hướng dẫn chúng tôi đợi có đợt sẽ làm tuy nhiên khi làm cần phải nộp tiền và vị trí đất mua ban đầu cũng không còn mà ở một vị trí khác.

“Trước đây là xã bán đất trái thẩm quyền nên giờ muốn làm trích lục thì phải nộp tiền phí, cứ 2,5 triệu/m chiều ngang, lô nhà ai bao nhiêu thì cứ thế mà nhân lên. Ngày xưa do xã bán đất trên giấy nên bây giờ phải đo đạc lại, đất được phân lần lượt chứ không như khi mua ở vị trí nào thì giờ ở vị trí nấy được. Có lô 4m bề ngang nhưng cũng có lô lên đến 6-7m ” - bà Hợp cho biết.

Cũng theo bà Hợp thì tiền này thu nộp cho huyện và sẽ ghi biên lai đầy đủ khi nộp tiền.

Theo tìm hiểu của PV thì hiện 100 lô đất mà xã Quảng Phong bán trái thẩm quyền từ hơn 10 năm trước thì đã có 85 lô đất làm được trích lục, còn lại 15 lô hiện vẫn chưa làm trích lục đồng nghĩa với việc 15 lô đất này sẽ phải nhận ở vị trí cuối cùng trong tổng 100 lô đất đã được bán và cả tỷ đồng được thu về làm “phí trích lục”.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương tỏ ra bất ngờ vì huyện không nắm được việc này.

“Việc xã làm thủ tục hợp thức hóa đất đai mà những năm trước đây xã bán trái thẩm quyền là đúng tuy nhiên, việc thu tiền phí trích lục, việc dịch chuyển vị trí đất của dân là việc của xã, huyện chưa nắm được. Cái này chúng tôi sẽ cho kiểm tra” - ông Công khẳng định.

Câu hỏi đặt ra là 85 lô đất đã làm trích lục ứng với số tiền cả tỷ đồng đã đi đâu? Có đúng như lời bà cán bộ địa chính xã nộp cho huyện hay không?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nguyễn Thùy