Bài 2:

Thảm hại khu tái định cư hộ nghèo tại Sóc Trăng: Chính quyền có “bỏ quên” dân?

(Dân trí) - Liên quan đến tình trạng thảm hại khu tái định cư của hộ nghèo tại Sóc Trăng, UBND thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã có báo cáo tình hình triển khai và lý giải một số vấn đề tồn tại xung quanh dự án này.

Báo cáo của UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, Trung ương chấp thuận cho địa phương đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Trà Sết, được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 10/2013. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ cho người dân nghèo về đất ở, đất sản xuất và nhà ở để ổn định cuộc sống, giúp các hộ an tâm lập nghiệp vươn lên thoát nghèo,…

Dự án có quy mô 200 hộ dân, trong đó đất ở 300m2/hộ, nhà ở 40m2/căn, đất sản xuất 3.000m2/hộ (tổng là 600.000m2-PV); đường giao thông nội bộ có tổng chiều dài 2.950m quy mô đường bê tông cốt thép, rộng 3,5m; xây mới đường dây hạ thế 0,4kV, tổng chiều dài 2.858m; xây mới một trạm biến áp; xây dựng nhà trẻ quy mô 75 cháu, diện tích 220m2; xây trạm cấp nước công suất 200m3/ngày đêm; san lấp mặt bằng 72.752m2. Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục công trình thể dục thể thao và chợ nhưng do nguồn vốn không đảm bảo nên không thực hiện được.

Tổng mức đầu tư được duyệt là trên 43,3 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh trên 41,4 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Kết quả giải ngân được trên 35,2 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương trên 33,2 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 2 tỉ đồng. Dự án được thực hiện trong 2 năm 2014-2015.

Ngày 1/4/2016, UBND thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức bàn giao nhà ở, đất ở cho 200 hộ dân. Còn việc hỗ trợ đất sản xuất 3.000m2/hộ chưa thực hiện được do còn vướng nhiều thủ tục đất đai, nhất là đất rừng. Việc giao 300m2 đất ở cũng chưa lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hộ dân.

Thảm hại khu tái định cư hộ nghèo tại Sóc Trăng: Chính quyền có “bỏ quên” dân? - 1
Thảm hại khu tái định cư hộ nghèo tại Sóc Trăng: Chính quyền có “bỏ quên” dân? - 2

Khu dân cứ ấp Trà Sết nhìn từ phía trước (ảnh trên) và sau.

Thế nhưng, sau khi nhận nhà và đất ở, nhiều hộ dân đã “từ chối” vào ở với nhiều lý do khác nhau. Báo cáo của UBND thị xã Vĩnh Châu cho thấy, trong số 200 hộ được giao nhà, hiện nay có 106 hộ đang ở (trong đó có 52 hộ đóng cửa tạm về lại nhà cha mẹ ở để ngày đi làm thuê, tối mới về nhà ở khu dân cư nghỉ); có 47 hộ đóng cửa đi làm thuê ở TPHCM, Bình Dương, Long An,… Đặc biệt, có 47 hộ đã tự ý chuyển nhượng nhà cho hộ khác không thông qua chính quyền địa phương.

Theo Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu - ông Trần Hoàng Thắng, khi thực hiện dự án này, địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Về diện tích đất thực hiện dự án, sau khi rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, xác định diện tích đất của dự án có chồng lấn diện tích đất do kiểm lâm quản lý nên cần có thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và lập thủ tục giao đất. Việc xây dựng nhà ở với diện tích 40m2/căn, giá trị chỉ trên 33,6 triệu đồng/căn là chưa đáp ứng an toàn đối với vùng gió biển. Thời gian triển khai dự án kéo dài, chậm thời gian quy định, giải ngân không hết nguồn vốn được giao. Nguồn nước cung cấp cho Trạm cấp nước bị nhiễm phèn, mặn làm hạn chế việc sử dụng nước của người dân.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị liên quan đã có nhiều sai phạm với số tiền phải thu hồi trên 2,3 tỉ đồng; trong đó đã nộp trên 1,4 tỉ đồng, còn lại 891,4 triệu đồng. UBND thị xã Vĩnh Châu đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã đôn đốc các đơn vị là Liên doanh Công ty TNHH ĐTXD Phước Toàn Hải và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Sóc Trăng thực hiện nộp trả lại số tiền 891,4 triệu đồng nói trên.

Thảm hại khu tái định cư hộ nghèo tại Sóc Trăng: Chính quyền có “bỏ quên” dân? - 3

Trường Mẫu giáo bị bủa vây bởi cỏ cây hoang dại.

Cũng trong báo cáo, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu kiến nghị: Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng tổ chức kiểm định, đánh giá lại chất lượng nguồn nước của Trạm cấp nước khu dân cư Trà Sết; UBND tỉnh chấp thuận chủ trương để địa phương tổ chức đối thoại với các hộ dân, qua đó nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân về nhu cầu việc làm, cũng như có chính sách hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ ngư cụ, công cụ lao động, phương tiện sán xuất… thay cho hỗ trợ đất sản xuất như dự án được duyệt, bởi việc thực hiện giao đất rừng cho các hộ dân rất khó thực hiện do phải thực hiện hàng loạt các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Mặt khác, nếu giao đất rừng theo hiện trạng do các hộ dân thuộc hộ nghèo nên không có khả năng đầu tư sản xuất. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ địa phương lập thủ tục chuyển đổi 14,85ha đất rừng sang mục đích sử dụng khác để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (300m2/hộ).

Thảm hại khu tái định cư hộ nghèo tại Sóc Trăng: Chính quyền có “bỏ quên” dân? - 4

Dự kiến đất rừng này sẽ cấp cho người dân.

Chiều ngày 20/8, chúng tôi có mặt tại khu dân cư này, nhờ người dân ở đây kiểm đếm thì có 127 căn nhà không có người ở, hoặc đóng cửa, hoặc bỏ trống. Theo người dân, trong số những căn nhà này, có hộ nhận nhưng không ở, có hộ nhận rồi nhưng bỏ nhà đi làm thuê ở các tỉnh khác, có hộ nhận nhà rồi bán lại cho người khác với giá khoảng 14-16 triệu đồng/căn.

Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải chia sẻ: “Khu dân cư ấp Trà Sết thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với các hộ dân nghèo. Tuy nhiên, do bà con đều nghèo, từ trước đến nay sinh sống bằng làm thuê nên dù được cấp nhà ở và đất ở, bà con vẫn phải đi làm thuê sinh sống. Làm thuê tại chỗ thì không ổn định, thu nhập không cao nên nhiều hộ phải rời quê đi làm ăn xa, Tết mới về một lần. Vì vậy họ phải bỏ nhà cửa hoang vắng dẫn tới xuống cấp. Riêng việc hỗ trợ đất sản xuất thì đến nay chưa thực hiện được, dù đất đã có rồi nhưng lại là đất rừng, phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng mới cấp được”.

Một cán bộ xã Vĩnh Hải (không nêu tên) băn khoăn: “Thật lòng mà nói, khi giao đất cho người dân, địa phương cũng lo vì hầu hết là hộ nghèo, nhận 3.000m2 đất rừng chủ yếu là cây đước, người dân sẽ sản xuất như thế nào khi không có vốn đầu tư, hoặc nhận xong bán lại cho người khác thì giải quyết như thế nào?”.

Còn ông Thạch Vẹn (64 tuổi, nhà số 200/200) cho biết: “Nhiều hộ nhận nhà nhưng không có đất sản xuất nên phải bỏ nhà đi làm thuê, nếu có đất chắc chắn dân sẽ ở nhà. Theo tôi, muốn giữ được dân thì phải cấp đất cho dân. Gia đình tôi cũng đang cần đất sản xuất. Nếu được giao đất, có vốn thì đầu tư đào ao nuôi tôm, không vốn thì tôi sẽ đào mương nhỏ, ra biển bắt cua con hay cá kèo con về thả nuôi cũng kiếm sống được. Còn được giao đất mà không sử dụng hay bán cho người khác thì phải thu hồi thôi”.

Anh Trần Tiến, bà Lâm Thị Thuôn (người dân địa phương) cũng có ý kiến như ông Thạch Vẹn: “Có đất là chúng tôi cải thiện được cuộc sống cho mình. Chúng tôi vừa đi làm thuê, vừa tự túc nuôi cua, cá trong đất được giao”.

Thảm hại khu tái định cư hộ nghèo tại Sóc Trăng: Chính quyền có “bỏ quên” dân? - 5

Người dân đang chờ đất sản xuất.

Như Dân trí đã phản ánh, năm 2014, tỉnh Sóc Trăng triển khai Dự án nhà ở ổn định cho 200 hộ nghèo ở xã ven biển Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng; trong đó Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng. Dự án này do UBND thị xã Vĩnh Châu làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý là Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Vĩnh Châu.

Theo kế hoạch, có 199 hộ người Khmer và 1 hộ người Hoa là cư dân ở ấp Trà Sết và ấp Giồng Nổi, mỗi hộ được hỗ trợ đất ở 300m2, đất sản xuất 3.000m2 để bà con ổn định cuộc sống.

Thế nhưng trên thực tế, mỗi hộ chỉ được nhận một căn nhà và 300m2 đất ở, còn đất sản xuất 3.000m2/hộ chưa có nên bà con phải bỏ xứ đi làm thuê, để lại Khu dân cư Trà Sết rất thảm hại khi 200 ngôi nhà liền nhau cùng kiểu dáng, kích cỡ, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nhưng lại trở thành hoang vắng vì người dân không thể nào trụ lại được bởi quá khó khăn.

Bạch Dương