Bài 3:
Thái Nguyên: Nhiều “góc khuất” cần làm rõ trong vụ TNGT tài xế bị khởi tố liên tục kêu oan
(Dân trí) - “Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên cần trả Hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ nhiều nội dung để đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, đúng luật, tránh oan sai như: Trưng cầu giám định dấu vết phương tiện để làm rõ lỗi của người điều khiển phương tiên tham gia giao thông; Trưng cầu giám định tốc độ của các xe ngay trước thời điểm va chạm; cần điều tra bổ sung, xác định nồng độ cồn đối với lái xe mô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn”, luật sư Nguyễn Quang Hùng phân tích.
Vụ tai nạn giao thông ngoài ý muốn tại TP Thái Nguyên cách đây hơn 1 năm giữa xe ô tô và xe máy khiến một cảnh sát cơ động tử vong và một chiến sỹ khác bị thương nhẹ đã được hai bên thỏa thuận dân sự, viết đơn bãi nại. Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cũng có công văn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với tài xế. Tuy nhiên, Công an TP Thái Nguyên vẫn khởi tố lái xe ô tô trong khi bị can liên tục kêu oan cho rằng mình là nạn nhân của vụ tai nạn.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, PV Dân trí đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Quang Hùng - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
PV: Vụ tai nạn giao thông ngày 18/02/2015 giữa xe ô tô do ông Vũ Văn Vinh điều khiển và xe máy do anh Bùi Xuân Hòa (sn 1984) điều khiển đã khiến anh Nguyễn Khắc Trường bị chết, anh Hòa bị thương. Sau vụ tai nạn xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với ông Vũ Văn Vinh, và xác định ông Vinh không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Vậy cơ quan CSĐT có cần tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với anh Hòa hay không?
Luật sư Nguyễn Quang Hùng: Hồ sơ vụ án thể hiện, tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với ông Vũ Văn Vinh, và xác định ông Vinh không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nhưng đối với người điều khiển xe mô tô là sỹ quan Công an nhân dân nhất định cần kiểm tra nồng độ cồn. Nếu không kiểm tra là chưa đảm bảo khách quan, công bằng. Do vậy, tôi kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Thái Nguyên điều tra bổ sung, xác định nồng độ cồn đối với anh Bùi Xuân Hòa tại thời điểm xảy ra tai nạn. Luật pháp cần công bằng, nếu đã tham gia giao thông, xẩy ra tai nạn thì tất cả các bên đều cần kiểm tra chứ không thể có “ngoại lệ” cho bất kì ai
PV: Trong Kết luận điều tra không đề cập đến tốc độ của phương tiện khi tham gia giao thông. Như vậy, việc xác định lỗi của người tham gia giao thông có khách quan và công bằng không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Quang Hùng: Theo thông tin tôi được biết, trong quá trình điều tra vụ án, ông Vũ Văn Vinh đã yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Nguyên giám định tốc độ của phương tiện khi tham gia giao thông để xác định lỗi của người tham gia giao thông nhưng không được giải quyết. Ngày 30/11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 11/CSĐT trả cho Phòng PC 65 Công an tỉnh Thái Nguyên bảo quản và sử dụng chiếc xe mô tô BKS 20B1-000.15 và quyết định số 12/CSĐT trả cho ông Vũ Thanh Quang bảo quản và sử dụng chiếc xe ô tô BKS 20D-00.125. Ông Vũ Thanh Quang là chủ sở hữu chiếc xe ô tô BKS 20D-00.125 đã không nhận lại chiếc xe cho đến khi có kết luận điều tra. Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Nguyên không xem xét giải quyết đề nghị của ông Vũ Văn Vinh mà vội vàng xử lý vật chứng có dấu hiệu bất thường và không khách quan.
Chiếc xe máy chở 2 chiến sỹ công an trong vụ tai nạn là tang vật vụ án đã được Công an TP Thái Nguyên trả lại cho Phòng PC 65 Công an tỉnh Thái Nguyên bảo quản và sử dụng.
Cần lưu ý, trong một vụ tai nạn giao thông thì Giai đoạn nhận thức tai nạn và tác động xử lý được tính từ thời điểm các biện pháp phòng tránh bắt đầu có hiệu lực cho đến thời điểm “không lối thoát”. Giai đoạn này thường có những diễn biến cơ bản sau: Mặc dù, bộ phận phanh hãm, chuyển hướng... đã có hiệu lực (bánh xe ngừng quay, xe đã chuyển hướng...) nhưng do quán tính làm cho phương tiện vẫn bị đẩy, trượt trên đường tạo nên những vết trượt, vết phanh. Vết trượt, vết phanh dài hay ngắn, lực gây rê ngang mạnh hay yếu, khoảng cách rê ngang ngắn hay dài, thậm chí lật đổ xe... phụ thuộc vào: Tốc độ; Trọng lượng của xe; Phản xạ và kỹ thuật của người điều khiển; Chất lượng phanh; Tính chất mặt đường … trong đó, tốc độ xe cần phải được làm rõ để xác định lỗi là do bên nào
PV: Trong Đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo chí, ông Vinh cho rằng cho rằng: Căn cứ vào vết hằn lõm ở phần đầu xe ô tô làm cong sắc xi với dấu vết hai càng giảm xóc trước của xe mô tô cong đều theo hướng từ trước ra sau, không có hướng biến dạng từ trái sang phải, có thể xác định điểm chạm chính là lốp xe mô tô với phần đầu xe ô tô nơi sắc xi trước bị biến dạng. lực va chạm tác động ngược đã làm cả hai giảm xóc trước xe mô tô chùn cong đều theo hướng từ trước ra sau. Ông Vinh cũng khẳng định: Kết luận điều tra đã nêu phần đầu xe ô tô đã đâm vào phía bên trái chiếc xe mô tô là sai hoàn toàn so với dấu vết để lại trên hai phương tiện. Xin Ông cho biết nhận định của mình về chi tiết này như thế nào?
Gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Vũ Văn Vinh.
Luật sư Nguyễn Quang Hùng: Điểm đụng đầu tiên trong vụ tai nạn giao thông là dấu vết để lại trên mặt đường và trên các phương tiện có liên quan khi xẩy ra lần va chạm đầu tiên trong vụ tai nạn (các bên có liên quan ở đây có thể là người, phương tiện tham gia giao thông hoặc chướng ngại vật cố định như: cây cối, cột điện, nhà cửa...). Sau sự va chạm đó, ngoài các dấu vết đầu tiên do các bên có liên quan đến vụ tai nạn lần đầu tác động đến nhau tạo ra còn có hàng loạt các dấu vết tiếp theo được xuất hiện do lực quán tính giữa các phương tiện, người tham gia giao thông va đập vào nhau hoặc va đập vào các chướng ngại vật như: cây cối, nhà cửa, đồ vật có liên quan đến vụ tai nạn, tạo nên (dấu vết đổ vỡ, lồi lõm bong tróc, cà xước trên các phương tiện hoặc trên mặt đường; các phương tiện giao thông, hành khách, hàng hóa bị quăng quật đổ vãi; các dấu vết xăng dầu, máu hoặc các dấu vết sinh học khác để lại trên mặt đường hoặc trên các phương tiện bị đâm va...).
Các dấu vết đó được hình thành theo các quy luật khách quan của vận động vật chất và có ý nghĩa lớn trong việc phản ánh chính xác quá trình hình thành, diễn biến của vụ tai nạn. Trong đó, các dấu vết xuất hiện trong lần va chạm đầu tiên giữa các bên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định phần đường, của các phương tiện trước khi đâm va; tốc độ và các biện pháp xử lý của người điều khiển phương tiện trước khi đâm va...
Từ đó, giúp cán bộ điều tra có cơ sở khoa học để xác định chính xác nguyên nhân, điều kiện phát sinh tai nạn, lỗi và trách nhiệm của những người có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế việc xẩy ra tai nạn giao thông thường do sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau cùng đan xen tạo nên, vì thế việc xác định điểm chạm đầu tiên trong một vụ tai nạn thường gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ xác định đúng điểm chạm đầu tiên còn rất thấp, nên đã dẫn đến tình trạng phân tích sai quá trình diễn biến vụ tai nạn, đưa ra các kết luận thiếu khách quan trong quá trình điều tra xử lý.
Theo tôi, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Nguyên nên tiến hành trưng cầu giám định dấu vết phương tiện để làm rõ lỗi của người điều khiển phương tiên tham gia giao thông, yêu cầu trưng cầu cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an giám định về cơ chế hình thành dấu vết, vị trí ban đầu, tốc độ của các xe ngay trước thời điểm va chạm để đảm bảo quyền lợi của ông Vũ Văn Vinh.
Xin cảm ơn luật sư.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế