Đắk Nông:

“Thách thức” quyết định xử phạt, cơ sở tái chế nhựa tiếp tục hành dân

(Dân trí) - Dù bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính đến 2 lần, xong cơ sở sản xuất, tái chế hạt nhựa vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Quá bức xúc vì cho rằng cơ sở sản xuất, tái chế hạt nhựa hoạt động lén lút trong khu dân cư và gây ô nhiễm nên chiều ngày 6/3/2020, gần 10 hộ dân đã kéo đến trụ sở UBND phường Nghĩa Đức để phản ánh. Đây là cơ sở của ông Nguyễn Đình Hiền (tổ 5, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa), ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân đang sinh sống khu vực xung quanh.

“Thách thức” quyết định xử phạt, cơ sở tái chế nhựa tiếp tục hành dân - 1
Bức xúc vì tình trạng ô nhiễm, nhiều hộ dân phường Nghĩa Đức đã đến trình báo chính quyền

Theo bà Lê Thị Mai (trú tổ 3, phường Nghĩa Đức), tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở sản xuất, tái chế hạt nhựa gây ra từ nhiều năm nay. Các hộ dân xung quanh nhà máy đã kiến nghị, chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý và chủ đầu tư đã cam kết sẽ khắc phục. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian sau thì cơ sở này lại tiếp tục hoạt động.

“Năm 2019, cơ sở này hoạt động rầm rộ trở lại. Chúng tôi phản ánh và cơ quan chức năng đã xử phạt nặng, yêu cầu ngừng hoạt động. Nhưng từ đó tới nay, cơ sở này thường xuyên hoạt động vào ban đêm, gây mùi hôi thối nồng nặc. Người lớn chúng tôi đi làm cả ngày vất vả nhưng tối về khó chịu không ngủ được.”, bà Mai cho hay.

“Thách thức” quyết định xử phạt, cơ sở tái chế nhựa tiếp tục hành dân - 2
Bên trong cơ sở tái chế, sản xuất nhựa nằm ngay thành phố Gia Nghĩa

Cũng giống tâm trạng của bà Mai, ông Tạ Quốc Phòng (tổ 5, phường Nghĩa Đức) rất bức xúc vì nhiều lần kiến nghị nhưng nhà máy vẫn cố tình hoạt động trở lại.

“Trong những lần chúng tôi phản ánh, chủ cơ sở luôn hứa sẽ sớm di dời cơ sở ra ngoài khu dân cư nhưng sau đó không thấy động thái gì. Đã nhiều lần chúng tôi lên phường trình bày, gọi điện vào đường dây nóng của thị xã Gia Nghĩa (từ 1/1/2020 là TP. Gia Nghĩa) và Cảnh sát Môi trường nhưng họ này vẫn bất chấp để hoạt động”, ông Phòng nói và hy vọng cơ quan chức năng có biện pháp mạnh, di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư.

Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức, cơ sở sản xuất, tái chế hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền hoạt động từ năm 2017 và lập tức bị người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường.

“Thách thức” quyết định xử phạt, cơ sở tái chế nhựa tiếp tục hành dân - 3
Nửa đêm, nhiều người dân đã đến nhà máy yêu cầu dừng hoạt động vì mùi hôi

Năm 2018, qua kiểm tra, Phòng TN&MT Gia Nghĩa và UBND phường Nghĩa Đức phát hiện cơ sở này hoạt động mà không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường. Ngoài việc xử phạt hành chính, UBND thị xã Gia Nghĩa yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động do gây ô nhiễm môi trường. Nhưng sang năm 2019, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động trở lại và không thực hiện việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Tháng 11/2019, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục ban hành Quyết định xử phạt hành chính số tiền 175 triệu đồng với hộ kinh doanh Nguyễn Đình Hiền vì hành vi gây ô nhiễm môi trường. Quyết định này còn đình chỉ hoạt động cơ sở này 12 tháng để thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do mình gây ra.

“Gần đây, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh việc cơ sở này tái hoạt động trở lại vào ban đêm và gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND TP. Gia Nghĩa để báo cáo lên cấp trên tổ chức cưỡng chế, buộc nhà máy sản xuất, tái chế hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền phải di dời đến địa điểm phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường”, ông Chinh cho hay.

Liên quan đến tình trạng này, một lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân và báo cáo của phường Nghĩa Đức, thành phố đã cử cán bộ Tài nguyên- Môi trường xuống lập biên bản đồng thời báo cáo với cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông phối hợp xử lý.

“Thách thức” quyết định xử phạt, cơ sở tái chế nhựa tiếp tục hành dân - 4
Hoạt động gây ô nhiễm của cơ sở này từng được báo Dân trí phản ánh năm 2018

“Theo quy định, nếu sau hai lần xử phạt hành chính mà không chấp hành thì sẽ tiến hành lập biên bản, nếu đủ các yếu tố thì sẽ đề nghị xử lý hình sự về hành vi gây ô nhiễm môi trường”, vị này nói.

Trước đó Dân trí từng phản ánh về tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi trường của cơ sở tái chế nhựa này. Dù xác định rõ cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường và không đủ điều kiện để hoạt động nhưng gần 7 năm nay, cơ sở tái chế nhựa vẫn hoạt động ngay tại trung tâm tỉnh Đắk Nông.

Tại thời điểm phản ánh, quy mô sản xuất của cơ sở sơ chế này từ 3 – 4 tấn bao bì nhựa mỗi ngày và cho ra khoảng 2 tấn hạt nhựa thành phẩm. Công nghệ sơ chế thô sơ, không sử dụng hóa chất. Khí thải được thổi qua than hoạt tính trước khi thải ra môi trường. Riêng nước thải thì chảy ra hồ chứa, không qua xử lý.

Dương Phong