Bài 10:
TAND Tối cao đề nghị xem xét việc xin tại ngoại cho bị cáo bị tạm giam gần 5 năm vẫn kêu oan
(Dân trí) - Trở lại với vụ án bị cáo Phạm Văn Hải bị quy kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sang nay ngày 8/9/2017, TAND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2. Bị tạm giam gần 5 năm, bị cáo Hải vẫn ròng rã kêu oan. TAND Tối cao vừa có có công văn gửi Chánh án TAND TP Hà Nội về nội dung xem xét cho bị cáo Hải tại ngoại.
Theo đó, ngày 4/9, TAND Tối cao có Công văn số 387/CV-VP gửi Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết: TAND Tối cao nhận được phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chuyển đơn của luật sư Phan Thị Lam Hồng kiến nghị về việc giám sát, chỉ đạo thay thế biện pháp ngăn chặn từ “Tạm giam” sang “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Phạm Văn Hải trong vụ án hình sự Ngô Xuân An, Phạm Văn Hải phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện vụ án đang được TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết.
Công văn cho biết: Sau khi được Chánh án TAND Tối cao đồng ý, TAND Tối cao chuyển phiếu chuyển đơn nêu trên đến Chánh án TAND TP Hà Nội để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo Chánh án TAND Tối cao và trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nội dung kết quả giải quyết khiếu nại.
Hiện nay, bị cáo Phạm Văn Hải và gia đình rất mong muốn Tòa án xem xét, chấp thuận yêu cầu được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “Tạm giam” sang “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Phạm Văn Hải do diễn biến thực tế của phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đã kéo dài tới gần 09 tháng. Thêm vào đó, bị cáo đã bị tạm giam gần 5 năm và vẫn liên tục kêu oan.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hoàng Huy Được - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng là Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Hải tại Kiến nghị gửi tới Chánh án TAND thành phố Hà Nội và Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội đã khẳng định:
“Căn cứ Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn tạm giam, theo đó, tại điểm d khoản 2 Điều 120 BLTTHS quy định: “d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng”. Với quy định về thời hạn tạm giam mà chúng tôi viện dẫn ở trên cho thấy: dù phạm vào một tội có nghiêm trọng đến mấy, thì người bị tình nghi là tội phạm cũng không thể bị tạm giam vượt quá 16 tháng.
Các luật sư kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị can Phạm Văn Hải lên Chánh án TAND TP Hà Nội và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp bị can Phạm Văn Hải, hiện đang bị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm giam lên tới 4 năm 9 tháng (57 tháng) đã bị kéo dài gấp 03 lần quy định thời hạn tạm giam được quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 120 BLTTHS vi phạm pháp luật về tạm giam. Nếu không muốn nói là việc tạm giam đối với bị can Phạm Văn Hải là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn tạm giam”.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Huy Được cũng khẳng định về việc bị cáo Phạm Văn Hải không hề biết, không tham gia bất cứ giao dịch nào với bà Mười cùng vợ chồng An, Thủy, từ việc hứa hẹn hay nhận tiền cho đến việc bàn giao bộ giấy tờ mua bán đất dùng làm mẫu tại Văn phòng của mình. Cáo buộc của VKSND thành phố Hà Nội về việc bị cáo Phạm Văn Hải sử dụng tiền thu của bà Mười chi dùng cho mục đích cá nhân cũng hoàn toàn không có căn cứ. Từ đó, Luật sư Hoàng Huy Được đề nghị:
“…Quý ông Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội xem xét rút lại quyết định truy tố đối với bị can Phạm Văn Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong thời gian xem xét rút quyết định truy tố đối với Phạm Văn Hải, chúng tôi đề Chánh án TAND Thành phố, Viện trưởng VKSND Thành phố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Phạm Văn Hải.
Tôi tin tưởng rằng, ý kiến đề nghị của chúng tôi là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật nhất định sẽ được ông Chánh án TAND Thành phố và ông Viện trưởng VKSND Thành phố xem xét và chấp thuận…”
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế