Bài 8:
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lần 2, lời kêu oan ròng rã gần 5 năm của bị cáo sẽ về đâu?
(Dân trí) - Ngày 8/9/2017, TAND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án: Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự năm 1999 - một vụ án mà bị cáo Phạm Văn Hải chưa bao giờ nhận tội và đã liên tục kêu oan trong gần 5 năm trời, kể từ khi bị bắt giam đến nay.
Vậy lời kêu oan của bị cáo Phạm Văn Hải có cơ sở để được chấp nhận hay không? Bị cáo Phạm Văn Hải có lừa đảo bà Nguyễn Thị Mười để chiếm đoạt tài sản như Kết luận điều tra của Công an thành phố Hà Nội và Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội?
Như Báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, vào khoảng cuối tháng 3/2011, bà Nguyễn Thị Thanh Yên (người làm chứng trong vụ án) giới thiệu bà Nguyễn Thị Mười (người bị hại trong vụ án) đến gặp vợ chồng Ngô Xuân An và Phạm Thu Thủy nhờ mua đất làng nghề tại Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Sau đó, bà Mười đã chuyển cho An, Thủy tổng số tiền là chín tỷ sáu trăm triệu đồng. Tuy nhiên, các giấy tờ liên quan đến việc giao, nhận tiền của các bên không thể hiện mục đích của việc giao nhận tiền là để mua đất làng nghề, cũng không thể hiện sự tham gia của Phạm Văn Hải. Ngoài ra, trong tất cả các lần nhận tiền của vợ chồng An - Thủy từ bà Mười, nhân chứng và người bị hại trong vụ án cũng khẳng định không có sự tham gia của Phạm Văn Hải. Trên thực tế, bị cáo Phạm Văn Hải khẳng định mình không hề biết, không có mặt trong việc bà Mười có chuyển tiền cho vợ chồng An - Thủy để mua đất làng nghề tại Vạn Phúc.
Điều đáng lưu là trong suốt thời gian đầu, đơn tố cáo cũng như toàn bộ lời khai của bà Mười đều thể hiện việc bà Mười chỉ tố cáo vợ chồng An, Thuỷ, nhưng sau đó bà Mười lại làm đơn tố cáo ông Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bất động sản Hà Đông. Do đó, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Văn Hải, và sau đó Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành truy tố đối với Phạm Văn Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Hải đã từng phân tích: “Có một điểm rất vô lý trong vụ án này đó là nội dung lời khai của các bên liên quan, từ người làm chứng cho tới người bị hại đều đã thể hiện rõ quá trình mua bán đất giữa bà Mười với vợ chồng An, Thủy đều không có sự tham gia của ông Hải. Ông Hải không biết và không tham gia bất cứ giao dịch nào với bà Mười cùng vợ chồng An, Thủy, từ việc hứa hẹn cho đến khi nhận tiền cũng như khi bàn giao bộ giấy tờ mua bán đất dùng làm mẫu tại Văn phòng của mình. Tuy nhiên, không hiểu căn cứ vào cơ sở nào mà tại Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra lại khẳng định Phạm Văn Hải phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do: “đã hứa hẹn để chị Nguyễn Thị Mười chuyển tiền vào Văn phòng của Hải, sau đó, Hải làm ra bộ giấy tờ mua đất giả để giao cho chị Mười nhằm chiếm đoạt số tiền chị Mười đã giao”, còn An là chủ mưu thể hiện ở: “Hành vi không có đất để bán nhưng vẫn nhận tiền của chị Mười, cùng với Hải dùng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt 9.600.000.000 (Chín tỷ, sáu trăm triệu đồng chẵn) của chị Mười”, vợ của An là Thủy vô can do chưa có đủ cơ sở xác định ý thức chủ quan về vai trò đồng phạm trong vụ án.
Sự vô lý thể hiện ở chỗ: Trong khi ông Hải không hề biết việc bà Mười và vợ chồng An, Thủy trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, mua bán, giao nhận tiền, giấy tờ cho nhau lại trở thành đồng phạm, còn Thủy là vợ của An, trực tiếp gặp gỡ, nhận tiền, chi tiêu toàn bộ số tiền nhận từ bà Mười thì lại vô can”.
Một bản trạng truy tố các bị can trong vụ án chiếm đoạt tài sản của VKSND TP Hà Nội không có tên Phạm Thu Thuỷ trong khi sau đó bị can bị TAND Tối cao khởi tố tại Toà.
Cáo trạng sau đó của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội còn khiến những người liên quan đến vụ án này bất ngờ hơn nữa khi khẳng định: “Phạm Văn Hải là người khởi xướng, là người tạo dựng ra “Bộ giấy tờ đất” giả và giao cho chị Nguyễn Thị Mười để chiếm đoạt tiền của chị Mười, Ngô Xuân An với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Hải thực hiện hành vi phạm tội…”.
“Trong khi thực tế bà Mười chưa từng gặp gỡ ông Hải trước đó, hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện ông Hải đã hứa hẹn về việc mua đất cho bà Mười cũng như không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc ông Hải chỉ đạo vợ chồng An, Thủy tiến hành giao dịch với bà Mười. Thêm vào đó, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vẫn không khắc phục điểm bất hợp lý của Kết luận điều tra khi xác định Thủy vô can trong vụ án – mặc dù Thủy tham gia trực tiếp trong giao dịch với bà Mười, từ việc gặp gỡ, trao đổi, nhận tiền cho đến việc bàn giao hồ sơ mua bán đất và chi tiêu số tiền nhận từ bà Mười”, luật sư Hồng phân tích.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 ngày 16/10/2014 của TAND thành phố Hà Nội, Hội đồng xét xử không tập trung làm rõ những điểm còn “mập mờ” trong Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra (ví dụ: việc ông Hải có phải là người trực tiếp giao bộ giấy tờ giả cho bà Mười hay không; ông Hải có chiếm đoạt và sử dụng số tiền của bà Mười hay không…) nhưng vẫn tuyên bị cáo Phạm Văn Hải phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải chịu mức án tù 20 năm. Phán quyết này của Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội gặp phải sự phản đối quyết liệt của bị cáo Phạm Văn Hải và gia đình bị cáo. Do vậy, ông Hải đã có Đơn kháng cáo gửi tới Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao. Ông Hải và gia đình cũng có rất nhiều đơn kêu oan gửi tới các cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban kiểm tra Trung ương và Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an chuyển đơn đề nghị làm rõ sự việc.
Trên cơ sở Đơn kháng cáo của bị cáo, tại phiên toà phúc thẩm ngày 21/5/2015, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao đã làm rõ được rất nhiều vấn đề quan trọng xuyên suốt trong vụ án, cũng như đã chỉ ra được rất nhiều điểm còn mâu thuẫn, mập mờ mà quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đã bỏ qua, cụ thể như sau:
Xác định lại tội danh mà các bị cáo đã phạm phải là tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ Luật Hình sự năm 1999 chứ không phải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự năm 1999 như Cơ quan điều tra - Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà nội đã nhận định và quy kết.
Khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Phạm Thu Thủy trong cùng vụ án đối với vai trò đồng phạm cùng bị cáo Ngô Xuân An.
Khẳng định các chứng cứ, tài liệu do các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó thu thập không đủ căn cứ để cáo buộc ông Phạm Văn Hải đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ đó, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.
Có thể thấy, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao đã đi vào phân tích, làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong vụ án, chỉ ra được những vấn đề còn tồn đọng cần phải được điều tra lại để tìm ra sự thật cho tất cả những người liên quan trong vụ án này.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn của luật sư Phan Thị Lam Hồng đến Chánh án TAND Tối cao về nội dung đề nghị cho bị cáo Hải tại ngoại sau gần 5 năm tạm giam.
Trải qua quá trình điều tra lại, với rất nhiều lần mở phiên tòa nhưng rồi lại phải hoãn, ngày 8/9/2017 tới đây, TAND thành phố Hà Nội sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà bị cáo là Ngô Xuân An, Phạm Văn Hải và Phạm Thu Thủy.
Đây là vụ án này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các cơ quan chức năng cũng như dư luận xã hội. Trước đó, ngày 01/7/2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có Công văn số 2798/UBTP13 gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu: “…xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”.
Ngày 23/7/2017, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn của luật sư Phan Thị Lam Hồng đến Chánh án TAND Tối cao. Theo đó, đơn có nội dung kiến nghị về việc giám sát, thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “tạm giam” sang “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Phạm Văn Hải hiện đang bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lần thứ 2. Bị cáo bị tạm giam gần 5 năm, có nhiều căn cứ về nhân thân, bệnh tật và nơi cư trú ổ định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế