Bài 9:

Bị tạm giam gần 5 năm vẫn ròng rã kêu oan, cơ sở nào cho bị cáo tại ngoại?

(Dân trí) - Trở lại với vụ án bị cáo Phạm Văn Hải bị quy kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, như Báo Dân trí đã đưa tin, ngày 8/9/2017, TAND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2. Bị tạm giam gần 5 năm, bị cáo Hải vẫn ròng rã kêu oan. Vậy liệu có cơ sở pháp lý cho việc bị cáo tại ngoại?

Hiện nay, bị cáo Phạm Văn Hải và gia đình rất mong muốn Tòa án xem xét, chấp thuận yêu cầu được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “Tạm giam” sang “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Phạm Văn Hải do diễn biến thực tế của phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đã kéo dài tới gần 09 tháng. Thêm vào đó, tình hình sức khỏe của bị cáo Hải đang bị ảnh hưởng theo chiều hướng ngày càng xấu đi.Vậy đề nghị của bị cáo và gia đình có cơ sở để được xem xét, chấp thuận?

Bị tạm giam gần 5 năm vẫn ròng rã kêu oan, cơ sở nào cho bị cáo tại ngoại? - 1

Các luật sư kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị can Phạm Văn Hải lên Chánh án TAND TP Hà Nội và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội.

Các luật sư kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị can Phạm Văn Hải lên Chánh án TAND TP Hà Nội và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hoàng Huy Được - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng là Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Hải tại Kiến nghị gửi tới Chánh án TAND thành phố Hà Nội và Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội đã khẳng định:

Căn cứ Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn tạm giam, theo đó, tại điểm d khoản 2 Điều 120 BLTTHS quy định: “d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng”. Với quy định về thời hạn tạm giam mà chúng tôi viện dẫn ở trên cho thấy: dù phạm vào một tội có nghiêm trọng đến mấy, thì người bị tình nghi là tội phạm cũng không thể bị tạm giam vượt quá 16 tháng.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp bị can Phạm Văn Hải, hiện đang bị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm giam lên tới 4 năm 9 tháng (57 tháng) đã bị kéo dài gấp 03 lần quy định thời hạn tạm giam được quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 120 BLTTHS vi phạm pháp luật về tạm giam. Nếu không muốn nói là việc tạm giam đối với bị can Phạm Văn Hải là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn tạm giam”.

Ngoài ra, luật sư Hoàng Huy Được cũng khẳng định về việc bị cáo Phạm Văn Hải không hề biết, không tham gia bất cứ giao dịch nào với bà Mười cùng vợ chồng An, Thủy, từ việc hứa hẹn hay nhận tiền cho đến việc bàn giao bộ giấy tờ mua bán đất dùng làm mẫu tại Văn phòng của mình. Cáo buộc của VKSND thành phố Hà Nội về việc bị cáo Phạm Văn Hải sử dụng tiền thu của bà Mười chi dùng cho mục đích cá nhân cũng hoàn toàn không có căn cứ. Từ đó, Luật sư Hoàng Huy Được đề nghị:

“…Quý ông Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội xem xét rút lại quyết định truy tố đối với bị can Phạm Văn Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong thời gian xem xét rút quyết đnh truy tố đối với Phạm Văn Hải, chúng tôi đề Chánh án TAND Thành phố, Viện trưởng VKSND Thành phố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Phạm Văn Hải.

Tôi tin tưởng rằng, ý kiến đề nghị của chúng tôi là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật nhất định sẽ được ông Chánh án TAND Thành phố và ông Viện trưởng VKSND Thành phố xem xét và chấp thuận…

Bị tạm giam gần 5 năm vẫn ròng rã kêu oan, cơ sở nào cho bị cáo tại ngoại? - 3


Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn của luật sư Phan Thị Lam Hồng đến Chánh án TAND Tối cao về nội dung đề nghị cho bị cáo Hải tại ngoại sau gần 5 năm tạm giam.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn của luật sư Phan Thị Lam Hồng đến Chánh án TAND Tối cao về nội dung đề nghị cho bị cáo Hải tại ngoại sau gần 5 năm tạm giam.

Thống nhất với quan điểm của Luật sư Hoàng Huy Được, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Việc xem xét để thay đổi biện pháp biện pháp ngăn chặn từ “tạm giam” sang “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Phạm Văn Hải trong vụ án nêu trên là có cơ sở để được chấp thuận bởi lẽ:

Thứ nhất, bị cáo Phạm Văn Hải đã bị tạm giam quá thời hạn.

Căn cứ hồ sơ vụ án, bị cáo Phạm Văn Hải bị tạm giam đến ngày 08/3/2016 theo Quyết định gia hạn tạm giam lần thứ nhất số 555/QĐ-VKS - P3 của VKSND thành phố Hà Nội ngày 05/11/2015.

Theo quy định tại Điều 177 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS 2003) thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS. Tính đến nay sau 02 lần phải hoãn phiên tòa sơ thẩm lần 2 do người bị hại là bà Nguyễn Thị Mười có đơn xin hoãn và cố tình không đến phiên tòa theo Giấy triệu tập của Tòa án.

Ngày 22, 23/12/2016, TAND thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai và phải tiến hành nghị án kéo dài. Ngày 28/12/2016, chủ tọa phiên tòa tuyên bố quay lại phần xét hỏi, quá trình xét hỏi do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ cần sự có mặt của người làm chứng nên HĐXX Quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập người làm chứng.

Ngày 23/5/2017 phiên tòa được mở lại nhưng HĐXX lại phải hoãn phiên tòa do người bị hại là bà Nguyễn Thị Mười tiếp tục vắng mặt.

Như vậy, đến nay phiên tòa xét xử sơ thẩm đã kéo dài gần 09 tháng, việc người bị hại là bà Nguyễn Thị Mười nhiều lần vắng mặt cũng như bị cáo Ngô Xuân An hiện đang tạm giam xin được đi điều trị bệnh khiến cho việc xét xử bị kéo dài dẫn đến việc bị cáo Phạm Văn Hải bị tạm giam quá thời hạn gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và gia đình bị cáo.

Thứ hai, việc bị tạm giam quá thời hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của bị cáo Phạm Văn Hải.

Bị cáo Phạm Văn Hải có tiền sử bệnh viêm gan B nặng, bệnh viêm xoang và hô hấp đã từng phải điều trị tại cơ sở y tế. Ngoài ra, trước đây bị cáo bị cáo còn bị gãy tay phải bó bột nhưng đến nay vẫn chưa được tháo đinh. Suốt quá trình bị tạm giam cho đến nay tình hình sức khỏe cũng như tinh thần của bị cáo ngày càng giảm sút vì vậy việc thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo Phạm Văn Hải có điều kiện khám chữa bệnh là cần thiết.

Thứ ba, bị cáo Phạm Văn Hải có địa chỉ cư trú rõ ràng.

Trước khi bị cáo Phạm Văn Hải bị bắt tạm giam, bị cáo Phạm Văn Hải có địa chỉ cư trú rõ ràng(tại tổ dân phố Chiến Thắng, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), có công ăn việc làm ổn định, nhân thân tốt, bị cáo chưa từng có tiền án tiền sự. Gia đình bị cáo có đơn xin bảo lĩnh, có người bảo lĩnh cho bị cáo được tại ngoại. Đây cũng là một yếu tố để xem xét việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo.

Thứ tư, quá trình điều tra, truy tố và xét xử cho thấy không đủ căn cứ để cáo buộc bị cáo Phạm Văn Hải đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án tại hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn Hải và gia đình liên tục có đơn kêu oan, không đồng ý với hành vi phạm tội như Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hà Nội và Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Tại các phiên tòa, quá trình xét hỏi của HĐXX, Kiểm sát viên cũng như các Luật sư cho thấy rằng còn rất nhiều vấn đề chưa được Cơ quan điều tra làm sáng tỏ nên không đủ căn cứ buộc tội bị cáo Phạm Văn Hải. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào ngày 15, 16/10/2014, phiên tòa phúc thẩm ngày 21/5/2015 và phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 22/12/2016, bị cáo Hải cũng liên tục kêu oan và cho rằng bị bức cung, dùng nhục hình trong quá trình Điều tra viên hỏi cung.


Tòa phúc thẩm TAND Tối cao ra quyết định khởi tố ngay tại tòa.

Tòa phúc thẩm TAND Tối cao ra quyết định khởi tố ngay tại tòa.

Trái ngược với bị cáo Phạm Văn Hải, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Dân trí, có một điểm mâu thuẫn rất đáng lưu ý trong vụ án này liên quan đến biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với Phạm Thu Thủy so với biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị cáo Phạm Văn Hải.

Phạm Thu Thủy là người trực tiếp cùng với Ngô Xuân An nhận tiền từ bà Nguyễn Thị Mười, giao giấy tờ mua bán đất giả cho bà Mười cũng như sử dụng số tiền của bà Mười chi tiêu cho mục đích cá nhân của vợ chồng An, Thủy tuy nhiên hành vi của Phạm Thu Thủy lại được Cơ quan điều tra - Công an thành phố Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội xác định vô can. Ngay cả sau khi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong cùng vụ án trên của Phạm Thu Thủy thì trong quá trình điều tra lại, Cơ quan điều tra - Công an thành phố Hà Nội và VKSND thành phố Hà Nội cũng chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với Phạm Thu Thủy.

Thế nhưng, đối với bị cáo Phạm Văn Hải, mặc dù Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã khẳng định các chứng cứ, tài liệu do các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó thu thập không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Phạm Văn Hải phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Phạm Văn Hải vẫn tiếp tục bị tạm giam cho dù đã quá thời hạn tạm giam theo quy định pháp luật và tình hình sức khỏe ngày càng suy giảm.

Với diễn biến kéo dài chưa có hồi kết bởi nhiều lý do khác nhau của phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 trong vụ án này, trên cơ sở các quy định pháp luật và tình tiết thực tế của vụ án, liệu rằng kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “Tạm giam” sang “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Phạm Văn Hải của gia đình bị cáo và các Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Hải có được TAND thành phố Hà Nội xem xét, chấp thuận?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế