TAND tỉnh Bến Tre tuyên huỷ án bản án vi phạm tố tụng của TAND huyện Mỏ Cày Nam!

(Dân trí) - TAND huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) nhận định, phần đất tranh chấp đúng là đất của nguyên đơn. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả đất vì cho rằng bị đơn có khó khăn và sẽ gây thiệt hại tài sản của bị đơn.

Yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Nhựt (ngụ xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre): Bà Nhựt có phần đất diện tích 809m2, tọa lạc tại ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam; được UBND huyện Mỏ Cày (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22/3/2006.

Sau khi huyện Mỏ Cày Nam được thành lập (năm 2009), bà Nhựt tiếp tục được UBND huyện Mỏ Cày Nam cấp đổi GCNQSDĐ ngày 28/8/2014 cho loại đất trồng cây hàng năm khác (diện tích đo đạc thực tế là 852,2m2). Trên phần đất đó có mộ người thân của bà.

Vào khoảng năm 1995, bà Phan Thị Tím (bà con với bà Nhựt) xin cho người con trai là Đỗ Văn Tròn (SN 1969) cất nhà ở tạm, không thỏa thuận thời gian trả đất. Nhà làm bằng cây lá.

Nhà ông Đỗ Văn Tròn chiếm toàn bộ phần mặt tiền của khu đất.
Nhà ông Đỗ Văn Tròn chiếm toàn bộ phần mặt tiền của khu đất.

Đến năm 2014, do có nhu cầu sử dụng đất nên bà yêu cầu ông Tròn di dời nhà cửa, trả lại đất cho bà nhưng ông Tròn không đồng ý. Tháng 9/2016, ông Tròn xây dựng nhà kiên cố trên đất, bà Nhựt ngăn cản. Chính quyền xã An Thạnh lập biên bản, yêu cầu ông Tròn đình chỉ xây dựng nhà trên đất của bà Nhựt nhưng ông Tròn không chấp hành, tiếp tục xây xong nhà, ở cho đến ngày nay.

Sau đó, bà Nhựt làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Mỏ Cày Nam, yêu cầu ông Tròn di dời nhà trả lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho bà.

Ngày 20/6/2018, TAND huyện Mỏ Cày Nam đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Theo nhận định của HĐXX: Phần đất tranh chấp có diện tích đo đạc thực tế là 845,6m2 đúng là đất của bà Nguyễn Thị Nhựt, ngay cả bị đơn Đỗ Văn Tròn cũng thừa nhận điều này. Vì thế, việc bà Nhựt yêu cầu phía ông Tròn trả lại diện tích đất nói trên là có căn cứ để chấp nhận.

Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng: Trên phần đất tranh chấp, gia đình ông Tròn xây nhà kiên cố vào năm 2016 mặc dù bà Nhựt có ngăn cản, có báo chính quyền địa phương lập biên bản nhưng theo xác nhận của chính quyền địa phương thì hộ ông Tròn thuộc diện gia đình khó khăn, ngoài phần đất trên gia đình ông Tròn không còn phần đất nào khác để sinh sống. Các công trình đều được xây dựng kiên cố không có khả năng di dời, nếu tháo dỡ thì sẽ mất giá trị của tài sản gây thiệt hại rất lớn cho bị đơn”. Từ đó, HĐXX “không chấp nhận yêu cầu của bà Nhựt về việc buộc gia đình ông Tròn di dời trả đất”.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên bà Nhựt được toàn quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 524,6m2 cùng cây trồng và vật kiến trúc trên đất; ông Đỗ Văn Tròn được toàn quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 321m2 cùng cây trồng và vật kiến trúc trên đất; phía ông Đỗ Văn Tròn có nghĩa vụ trả cho bà Nhựt 128,4 triệu đồng (giá trị đất 400.000 đồng/m2); bà Nhựt có nghĩa vụ trả lại cho ông Tròn 40,3 triệu đồng (tiền bồi thường cây trồng trên đất và tiền bơm cát do ông Tròn đầu tư trước đây).

Sau phiên tòa xử sơ thẩm, cả bà Nhựt cũng như ông Tròn đều có đơn kháng cáo vụ tranh chấp đến tòa án cấp phúc thẩm.

Bà Nhựt cho biết, bà rất bức xúc khi bị người cháu chiếm đất.
Bà Nhựt cho biết, bà rất bức xúc khi bị người cháu chiếm đất.

Cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng

Vừa qua, TAND tỉnh Bến Tre đã mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND huyện Mỏ Cày Nam giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.

Nhận định của tòa cấp phúc thẩm thể hiện: Đất do bà Nguyễn Thị Nhựt đứng tên GCNQSDĐ; còn nhà, chuồng trại và các công trình phụ trên đất, cây trồng và cát bơm trên đất là của ông Tròn, bà Nương.

Nguồn gốc đất tranh chấp cả nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất là của ông bà để lại cho ông Phan Văn Châu, nhưng do ông Phan Văn Hưởng đứng tên quyền sử dụng đất. Bà Nhựt là con ông Châu nên sau khi ông Châu mất, ông Hưởng đã chuyển quyền sử dụng cho bà Nhựt. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông Tròn di dời nhà trả đất cho bà. Tại phiên tòa sơ thẩm, phía bị đơn có đơn phản tố (đề ngày 19/3/2017) yêu cầu tòa án buộc nguyên đơn chuyển quyền sử dụng phần đất tranh chấp cho nguyên đơn đứng tên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn cho rằng nội dung đơn phản tố là yêu cầu hủy GCNQSDĐ của UBND huyện Mỏ Cày Nam cấp cho nguyên đơn; người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cũng trình bày việc vi phạm tố tụng này của cấp sơ thẩm.

TAND tỉnh Bến Tre tuyên huỷ án bản án vi phạm tố tụng của TAND huyện Mỏ Cày Nam! - 3
Bản án phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng, giao về cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định.
Bản án phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng, giao về cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định.

Tòa cấp phúc thẩm nhận định: Đúng như ý kiến của các đương sự, yêu cầu của ông Tròn là có nội dung hủy quyết định cá biệt theo Điều 34 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015; trong trường hợp này, cấp sơ thẩm phải đưa UBND huyện Mỏ Cày Nam tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Và việc bỏ sót người tham gia tố tụng là bỏ qua giai đoạn công khai chứng cứ và hòa giải, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Về nội dung, bản án sơ thẩm đã giải quyết tách thửa đất đối với diện tích sử dụng của ông Tròn 321m2 là thấp hơn diện tích được tách thửa theo Quyết định số 38/QĐUB ngày 4/9/2018 về qui định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nên việc tách thửa này cũng cần xem lại.

Từ những vi phạm đó, TAND tỉnh Bến Tre cho rằng: “Những vi phạm trên là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được” nên tuyên “Hủy Bản án sơ thẩm số 46/2018/DS-ST ngày 20/6/2018 của TAND huyện Mỏ Cày Nam về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Nhựt với bị đơn ông Đỗ Văn Tròn; giao hồ sơ về cho TAND huyện Mỏ Cày Nam giải quyết lại theo đúng qui định pháp luật”.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm