Hà Nội:

Tại sao người dân ở 146 Quán Thánh… "muốn" sống cùng nước cống?

Sự việc khu nhà số 146 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, ngập trong nước cống hôi thối suốt hơn 2 năm qua đã khiến dư luận rất ngỡ ngàng, vì không ngờ ngay tại một quận trung tâm nhất Thủ đô lại xảy ra sự việc này. Nhưng dư luận còn bất ngờ hơn, khi người dân tại đây thẳng thừng từ chối phương án “giải thoát” cho họ. Tại sao vậy?

Nguyên nhân tắc cống đã rõ ràng

Từng là khu biệt thự cổ do Pháp xây dựng từ cả trăm năm trước, đến giờ, khu nhà số 146 Quán Thánh được chia thành nhiều hộ gia đình cùng sinh sống. Từ tháng 7-2013 đến nay, 11 hộ dân với 60 nhân khẩu tại đây bất ngờ phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng vì nước cồng hôi thối dềnh cao khắp sân chung, tràn cả vào nhà dân.

Nguyên nhân của tình trạng này đã được người dân chỉ rõ là do hộ nhà ông Nguyễn Xuân Minh xây dựng đã bịt đường ống cống chung, dẫn tới việc nước cống không thể thoát đi đâu và gây ô nhiễm nặng nề. Nhà ông Minh có cửa thông ra sân chung nhưng luôn đóng chặt và không bị ảnh hưởng vì đã trổ cửa ra mặt phố Đặng Dung (nhà số 5).


Mặt đường Quán Thánh cao hơn toàn bộ phần nền của khu nhà số 146 nên để thoát nước tạm thời, UBND phường đã phải lắp ống và dùng máy bơm đẩy nước thải ra ngoài.

Mặt đường Quán Thánh cao hơn toàn bộ phần nền của khu nhà số 146 nên để thoát nước tạm thời, UBND phường đã phải lắp ống và dùng máy bơm đẩy nước thải ra ngoài.

Mặt đường Quán Thánh cao hơn toàn bộ phần nền của khu nhà số 146 nên để thoát nước tạm thời, UBND phường đã phải lắp ống và dùng máy bơm đẩy nước thải ra ngoài

Tại buổi khảo sát được thực hiện vào ngày 30-6 vừa qua, đại diện chính quyền quận Ba Đình và Công ty Thoát nước đã kiểm tra và xác định nguyên nhân đúng như phản ánh của người dân tại đây, trong đó khu vực cống tắc đã được thừa nhận nằm dưới nền nhà số 5 Đặng Dung.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo diễn ra vào thứ 6 (ngày 4-9), Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho rằng, không thể tùy tiện thông phần cống tắc đó, vì “trong quy định của pháp luật, chưa có điều nào quy định tìm ra điểm tắc trong khu vực nhà nước không quản lý, chính quyền có quyền vào đào nhà dân xây đường cống mới. Nhà số 5 Đặng Dung đã được cấp sổ đỏ, nếu chủ nhà khóa cửa không cho vào thì không thể làm gì được”.

Thay vào đó, phía UBND quận đưa ra phương án được cho là “tốt nhất”: Lắp đặt đường ống cống mới dài khoảng 50m cho các hộ dân ở 146 Quán Thánh. Kinh phí thực hiện phương án này sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước, người dân không phải đóng góp gì.

Thế nhưng, kỳ lạ là theo ông Bình, đa số người dân tại đây vẫn quyết liệt phản đối phương án “tốt nhất” mà chính quyền đưa ra.

Tại buổi họp báo, điểm mâu thuẫn mấu chốt này đã được các PV đặt ra nhưng phía UBND quận không giải đáp thẳng vào vấn đề.

Đi tìm nguyên nhân người dân “chê” đường ống mới

Chúng tôi có mặt tại số nhà 146 Quán Thánh vào sáng 6-9 để làm rõ thông tin tại sao người dân lại… “chê” phương án lắp đường ống mới như vậy.

Cô Trần Thị Oanh chia sẻ bằng vẻ mặt chua chát: “Người ngoài không hiểu chuyện lại bảo thế cái chỗ dân cư ấy muốn sống cùng nước cống thối hay sao mà có phương án tốt thế rồi lại còn phản đối. Nếu nó hợp tình, hợp lý thì chúng tôi phải sung sướng quá ấy chứ, vì hơn 2 năm khổ sở ô nhiễm rồi. Nhưng trên thực tế, phương án đó đầy bất cập, khiến đa phần người dân ở đây không thể chấp nhận được”.

Cụ thể hơn, cô Lê Thị Tuyết Băng – người dân sống lâu năm tại đây – chỉ rõ rằng có 3 nguyên nhân chính làm cho mọi người phản đối dữ dội.

Thứ nhất, đường ống mới theo dự kiến sẽ đi “loằng ngoằng” từ điểm thấp nhất trong sân để ra đường Quán Thánh, từ đó nối vào đường ống cũ ở Đặng Dung. “Như vậy, thay vì thông đoạn ống cống có từ bao đời nay vốn chỉ tắc có 5m, họ lại muốn nối một đường ống thay thế chạy dài gấp 10 lần đi vòng, chỉ để nối vào chỗ cũ và tránh nhà ông Minh ra. Làm thế quá tốn kém, phi lý”, cô Băng bày tỏ.

Thứ hai, quan trọng hơn là mặt đường Quán Thánh cao hơn nền nhà số 146 rất nhiều, nên để làm được đường ống thoát nước ra ngoài, phía thi công sẽ phải đào sâu xuống dưới nền đất. Trong khi đó, dưới nền có tới 4 hố ga (mỗi góc quanh có một hố), nên khi đường ống đi lòng vòng, hố ga bị tắc thì người dân lo lắng không biết lại phải cầu cứu đến ai.

Và thứ ba, việc xây dựng đường ống cống mới sẽ khiến cuộc sống của người dân tại đây bị đảo lộn, vì “phải đập miếu thờ và bể nước chung ở sân, làm sao chúng tôi chịu được? Đó không chỉ là nếp sinh hoạt hàng ngày, mà còn là đời sống tâm linh nữa”, cô Băng và cô Oanh bức xúc chia sẻ.


Người dân phản đối vì để làm đường ống mới, họ sẽ phải hy sinh cả miếu thờ và bể nước chung.

Người dân phản đối vì để làm đường ống mới, họ sẽ phải "hy sinh" cả miếu thờ và bể nước chung.

Người dân phản đối vì để làm đường ống mới, họ sẽ phải "hy sinh" cả miếu thờ và bể nước chung

Cụ Nguyễn Thị Tư (86 tuổi) sống tại đây đặt câu hỏi mà khó ai có thể trả lời: “Tại sao chỉ vì “né” một hộ dân (nhà ông Minh – PV) mà họ lại làm ảnh hưởng tới hàng loạt hộ dân khác và tốn kém tới vậy?”

Với những mâu thuẫn như đã đề cập ở trên, có thể thấy việc giải quyết tình trạng cống tắc, nước ngập ở số 146 Quán Thánh sẽ không đơn giản dừng lại ở phương án “tốt nhất” mà UBND quận Ba Đình đã đưa ra. Nếu phương án xử lý thiếu đi sự đồng thuận của người dân thì chắc chắn vấn đề gây bức xúc sẽ vẫn tồn tại, khiến các bên liên quan lại phải “đau đầu” tìm một lời giải thực sự hợp tình hợp lý.

Theo Nguyễn Trung Hiếu

An ninh thủ đô

Thăm dò ý kiến Để giải cứu hơn 10 hộ dân số nhà 146 Quán Thánh khỏi cảnh bị nước thải “bức tử”, ý kiến của bạn là gì?
1. Khôi phục đường cống cũ bị tắc bởi bê tông, giẻ rách dưới nền nhà số 5 Đặng Dung 2. Xây đường cống mới bằng ngân sách theo chủ trương của Chủ tịch UBND quận Ba Đình
Tại sao người dân ở 146 Quán Thánh… "muốn" sống cùng nước cống? - 3
Tại sao người dân ở 146 Quán Thánh… "muốn" sống cùng nước cống? - 4