Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều người trẻ thường chọn mở quán cà phê?

Thế Hưng

(Dân trí) - Thường xuyên tụ tập bạn bè tại quán cà phê, nhiều bạn trẻ nhận thấy mức lợi nhuận của việc kinh doanh quán rất cao nên đã thử khởi nghiệp. Tuy nhiên, không ít người đã thất bại vì quyết định này.

Gần đây, cư dân mạng đang nổ ra tranh cãi vấn đề mở quán cà phê khởi nghiệp. Có ý kiến nhận định, những người chọn mở quán cà phê vì thấy nhàn và lãi cao. Thế nhưng, không ít người cho rằng, tỷ lệ thất bại của các quán cà phê dù không bị ảnh hưởng của dịch bệnh rất cao.

Thường xuyên lui tới các quán cà phê, có người nhận thấy một vài quán có đồ uống không ngon, trang trí không đẹp nhưng rất đông khách. Chi phí mở một quán không quá lớn nên quyết định đầu tư.

Thế nhưng, độc giả Băng Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận định, suy nghĩ đó chỉ phần nổi của tảng băng. Phần chìm của tảng bằng lúc nào cũng nhiều hơn. Ví dụ như phần lớn những người mở quán cà phê đều thất bại. Chủ quán sang nhượng liên tục cho nhau.

Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều người trẻ thường chọn mở quán cà phê? - 1

Nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp với quán cà phê (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Hơn nữa, từ kinh nghiệm bản thân, chi phí chị Tâm phải bỏ ra lớn hơn con số tham khảo từ bạn bè. Không những vậy, chị phải từ bỏ công việc làm 8 tiếng/ngày để làm 16 tiếng/ngày từ khi mở quán.

Chưa kể về đến nhà chị Tâm còn phải đếm tiền, kết sổ, và đi chợ cho ngày hôm sau. Ngoài làm chủ, chị còn phải làm trông xe, pha chế, bưng bê, cọ nhà vệ sinh, thông cống và bồn cầu, lau nhà, rửa cốc...

"Các ngày thứ 7, chủ nhật hay ngày lễ nhìn người ta xúng xính váy đẹp đi chơi tôi lại chạnh lòng vì mở quán không lúc nào được nghỉ", chị Tâm cho hay.

Từng thất bại khi khởi nghiệp với quán cà phê, anh Đinh Xuân Tùng (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, mở quán cà phê gặp nhiều rủi ro. Bởi chủ quán không thể lường trước việc một cái lô cốt hay cột điện to bỗng dưng được dựng trước cửa quán. Người chủ cũng không tính toán được con đường hai chiều trước quán bỗng dưng đổi thành một chiều.

"Mùa mưa cả con đường bị lụt nặng, tắc cống trước cửa quán... là một trong những khuyết điểm của mặt bằng mà phải "cưới" về ở chung mới biết được", anh Tùng nói và chia sẻ thêm một khó khăn với những người mở quán cà phê là hợp đồng thuê nhà quá ngắn hạn. Trung bình hợp đồng thuê từ 3-5 năm không đủ để thu hồi vốn và sinh lời.

Chưa kể tới những rủi ro như an toàn vệ sinh thực phẩm; thái độ của nhân viên; bị khách hàng "bóc phốt" nếu vô tình làm sai... anh Tùng hay chủ các quán cà phê rất dễ phá sản nếu trở thành hiện tượng mạng với những lý do trên.

Tuy nhiên, các lý do trên chỉ là phụ. Theo những người đã từng kinh doanh quán cà phê, nguyên nhân chính dẫn tới thất bại vẫn là do không thu hút được khách và chịu áp lực lớn từ giá thuê mặt bằng. Các quán nước mới mở ra liên tục để cạnh tranh cũng khiến việc kinh doanh đi vào bế tắc.

Hàng loạt nguyên nhân cho sự thất bại khi chọn khởi nghiệp là mở quán cà phê. Song theo một tài khoản có nickname Chu Hưng, nghề nào cũng có cái khó riêng. Ngoài bán hàng online thì mở quán cà phê có hình thức đầu tư vốn linh hoạt, chủ quán có thể điều chỉnh phù hợp với năng lực tài chính cá nhân. Do đó, nếu rủi ro trong tầm kiểm soát thì nhiều người vẫn lựa chọn khởi nghiệp theo hình thức này.

Dù vậy, theo độc giả Thái Hà, tranh luận không phải để làm nhụt chí khởi nghiệp của các bạn trẻ, mà chỉ muốn nói lên một điều: có những ngành tưởng như ngon ăn nhưng thực tế rất "khó nuốt" cho người mới bắt đầu bước chân vào nghề.

Độc giả này cũng khẳng định, số người thất bại nhiều nhưng thành công cũng không ít. Cộng đồng mạng không nên có sự mỉa mai với những ý tưởng kinh doanh quán cà phê.

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh cũng đã khiến các quán cà phê rơi vào tình trạng phá sản liên tục. Thế nhưng hiện tại khi cuộc sống dần trở lại bình thường thì các loại hình kinh doanh vui chơi giải trí đang có cơ hội phục hồi.