Tai nạn 4 người thương vong: Dân lấn vỉa hè, tài xế có phải bồi thường?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, vấn đề mấu chốt cần xác định là việc tai nạn xảy ra có phải do sự kiện bất khả kháng hay không. Nếu là sự kiện bất khả kháng, tài xế được miễn trách nhiệm bồi thường.

Như Dân trí thông tin, chiều 5/8, một xe đầu kéo di chuyển trên Quốc lộ 48C đoạn qua huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) khi tránh một xe máy sang đường bất cẩn đã lao vào hàng loạt ki ốt bán hàng bên đường quốc lộ. Vụ tai nạn khiến người phụ nữ đi xe máy tử vong tại chỗ, 3 người khác trong ki ốt bị thương, được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân vụ tai nạn đang tiếp tục được xác minh làm rõ. 

Theo dõi clip ghi lại sự việc, nhiều người bày tỏ sự bất bình khi người dân bày bán hàng tràn lan ra vỉa hè, sát mặt đường quốc lộ và cho rằng đây là một trong các nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng của vụ tai nạn. 

Xe đầu kéo gây tai nạn đâm hàng loạt ki ốt ở Nghệ An

Độc giả The Bui viết: "Chia buồn với các nạn nhân! Nhưng đường với vận tốc 70km/h mà cửa hàng nhà dân bám sát mép đường như vậy thì không khác nào là tự sát!". 

Chung quan điểm, anh Thanh Son Vu bình luận: "Vỉa hè rộng 2m mà nhà bác lấn chiếm khiếp quá. Từ trong nhà bước chân ra là xuống lòng đường, quá nguy hiểm. Hy vọng sau tai nạn này gia đình bác hoàn trả lại vỉa hè cho người đi bộ". 

"Qua camera thấy có một phần lỗi thuộc về chủ quán khi chiếm hết hành lan đi bộ. Xe đầu kéo mất lái nhưng chưa ra khỏi lộ giới, nếu không chiếm vỉa hè có thể không có chuyện đau lòng này", độc giả có nickname Kenny Kao phân tích. 

"Hàng quán cứ bám sát mặt đường tỉnh lộ, quốc lộ thực sự nguy hiểm. Xem clip hãi hùng quá, may mắn 2 người trong quầy hàng không sao", chủ tài khoản A Phùng tiếp lời. 

Từ những ý kiến của độc giả, hàng loạt câu hỏi được đặt ra về việc tài xế xe đầu kéo có phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về tài sản của chủ ki ốt không. Ngoài ra, với việc vụ tai nạn làm một người thiệt mạng, người này có thể chịu trách nhiệm pháp lý ra sao? 

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong những nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Trường hợp chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo thông tin được cơ quan chức năng cung cấp, vụ tai nạn trên bắt nguồn từ việc sang đường bất cẩn của người phụ nữ đi xe máy. Từ đây, công an sẽ phải thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn như củng cố lời khai tài xế xe đầu kéo và những người làm chứng; trích xuất dữ liệu camera hay thực nghiệm, giám định lại hiện trường vụ tai nạn...

Từ đó, hàng loạt vấn đề pháp lý mấu chốt sẽ được làm sáng tỏ như khoảng cách giữa xe ben và xe máy trước va chạm là bao xa; tốc độ của các phương tiện là bao nhiêu; khoảng thời gian từ khi tài xế phát hiện người phụ nữ chuyển làn tới khi xảy ra tai nạn là bao lâu hay việc tài xế đã xử lý như thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại của vụ tai nạn, đó đã phải phương án tốt nhất trong khả năng của người này hay chưa. 

"Từ những vấn đề nêu trên, có thể xảy ra 2 tình huống như sau: Thứ nhất, nếu tài xế điều khiển xe đi đúng tốc độ, tập trung quan sát nhưng khoảng cách giữa xe đầu kéo và xe máy quá gần, việc chuyển làn của xe máy xảy ra đột ngột, nằm ngoài tầm kiểm soát của tài xế container và tài xế này đã áp dụng mọi biện pháp tốt nhất như đạp cứng phanh hay đánh lái gấp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại nhưng hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra, đây có thể coi là sự kiện bất khả kháng theo Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, tài xế có thể được miễn các trách nhiệm về dân sự và hình sự. 

Thứ hai, nếu cơ quan chức năng xác định đây không phải tình huống bất khả kháng và có xuất hiện yếu tố lỗi của tài xế như chưa tuân thủ nghiêm ngặt tốc độ, chưa tập trung quan sát hay chưa áp dụng phương án xử lý tối ưu nhằm hạn chế thiệt hại, trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được xem xét áp dụng. Với hậu quả làm 1 người thiệt mạng, người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt cao nhất lên tới 5 năm tù", ông Tuấn bình luận. 

Về trách nhiệm dân sự, nếu bị xác định có lỗi, tài xế container sẽ phải bồi thường thiệt hại do tài sản và tính mạng bị xâm phạm cho những người bị thiệt hại. Việc xác định mức bồi thường sẽ căn cứ quy định tại các Điều 589, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Tai nạn 4 người thương vong: Dân lấn vỉa hè, tài xế có phải bồi thường? - 1

Hiện trường ngổn ngang sau vụ tai nạn (Ảnh: Sỹ Hoàng).

Về thiệt hại của ki ốt hàng hóa, luật sư Tuấn nhìn nhận dưới góc nhìn của camera nhà dân ghi lại sự việc (có nhiều hạn chế), những người này đang có hành vi sử dụng lề đường, hè phố để mua bán hàng hóa. Đây là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008. Do đó, chủ ki ốt cũng có một phần lỗi và sẽ không được bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra. 

Còn với tài xế, cơ quan chức năng sẽ làm rõ yếu tố lỗi của tài xế trong việc để xe lao vào ki ốt của người dân. Nếu thiệt hại xảy ra do tình huống bất khả kháng, tài xế có thể được miễn trách nhiệm bồi thường còn nếu có yếu tố lỗi, tài xế sẽ phải bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra.

Về trách nhiệm của gia đình bán hàng tại ki ốt, để làm rõ việc người bán hàng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không (trường hợp tai nạn gây hậu quả chết người), phải cần phải chờ kết quả điều tra cuối cùng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi sử dụng trái phép lề đường, hè phố này có liên quan trực tiếp, dẫn đến hậu quả chết người xảy ra trên thực tế. Nếu hành vi trên không liên quan tới vụ tai nạn chết người, đây chỉ là lỗi vi phạm hành chính và người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.