Những lợi ích khi giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu
(Dân trí) - Độc giả Dân trí nhấn mạnh việc giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vừa giúp ích cho người dân, vừa giảm tải áp lực cho lực lượng chức năng trong việc quản lý bãi trông giữ phương tiện vi phạm.
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu (0,25 miligram/lít khí thở).
Theo đó, đối với ô tô và các loại xe có tính chất tương tự, mức phạt tiền đề xuất giảm từ 6-8 triệu đồng xuống còn từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với xe máy và các loại phương tiện tương tự, mức phạt đề xuất là 400.000-600.000 đồng còn với xe máy chuyên dùng, mức đề xuất được giảm từ 3-5 triệu đồng còn 800.000-1 triệu đồng.
Bình luận về vấn đề trên, nhiều độc giả Dân trí bày tỏ sự ủng hộ nhiệt liệt và cho rằng đây là đề xuất hết sức nhân văn, hợp lý và cần thiết. Độc giả Trung Nguyen viết: "Thay đổi mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất là rất hợp lý và cần thiết. Mức phạt 2,5 triệu đối với người điều khiển xe máy vi phạm lỗi nồng độ cồn dưới 0,25 như hiện nay là quá nặng".
Cũng bày tỏ sự ủng hộ, anh Nguyen Quoc Bao bình luận: "Ở mức tối thiểu như vậy thì vẫn hoàn toàn làm chủ được phương tiện. Bởi vậy, việc giảm mức phạt cho vi phạm mức tối thiểu là hợp lý".
"Quá hợp lý. Ở mức tối thiểu này, người ta vẫn hoàn toàn tỉnh táo để điều khiển được hành vi. Việc giảm mức phạt là rất nhân văn và cần thiết", độc giả Nguyễn Kiên Cường tiếp lời.
Bên cạnh quan điểm ủng hộ, nhiều độc giả cũng đề xuất Bộ Công an xem xét sửa đổi các biện pháp xử phạt bổ sung đối với người vi phạm. Với người dùng Van Hau Phan, anh bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét sửa đổi thời hạn tước bằng lái đối với lỗi vi phạm ở mức tối thiểu như trên.
"Đề xuất rất hợp tình, hợp lý, phù hợp mong muốn của người dân vì ở mức này, người điều khiển không bị ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng xử lý tình huống. Bên cạnh đó, tôi mong Bộ Công an tính toán, xem xét giảm thời hạn tước bằng lái song song với việc giảm mức phạt. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân", độc giả này nêu quan điểm.
Trong khi đó, độc giả Nguyen Minh Thanh cho rằng nên điều chỉnh lại mức giới hạn tối thiểu nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện. Người này bình luận: "Cá nhân tôi đề xuất sửa đổi mức tối thiểu, nếu nồng độ cồn dưới 0.1 miligram/lít khí thở thì không nên xử phạt, vì thật sự nó rất ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và công việc đột xuất của người dân. Ví dụ: vừa uống mấy chén rượu, có người nhà phải đi cấp cứu thì không đi không được. Văn hóa Việt Nam ta rất khó tránh được một vài chén. Còn mức phạt tối thiểu thì nên giữ nguyên".
Theo nhiều người, đề xuất trên không chỉ giảm thiểu áp lực cho người dân mà còn giảm tải áp lực cho chính lực lượng chức năng, đặc biệt trong việc quản lý các bãi trông giữ phương tiện vi phạm.
"Phạt ít thì người vi phạm còn có cơ hội lấy xe, chứ phạt nặng như bây giờ họ sẽ bỏ xe chạy lấy người, nhất là xe máy. Khi đó, bãi giữ phương tiện ngày càng chồng chất, gây khó khăn cho cơ quan công an cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ", chủ tài khoản But bình luận.
"Giảm là hợp lý. Nhiều người lao động chạy xe nát, bị phạt nhiều mà không có tiền đóng thì họ sẽ bỏ xe lại. Công an lại giữ xe thành vô chủ, vừa chật bãi, vừa phát sinh chi phí và nhiều vấn đề khác", anh Trần Đức Thế quan ngại.