Bạn đọc viết:
"Sự cố gắng của nghệ sĩ không đồng nghĩa với việc cấm người khác khen chê"
(Dân trí) - Ngày còn bé, khi dịp tết về, một trong các điều mà một đứa trẻ 8X đời đầu như tôi luôn háo hức mong chờ là chương trình táo quân của đài truyền hình TP HCM thực hiện.
Các vai diễn Ngọc Hoàng thường do nghệ sĩ Bảo Quốc thủ vai, các vai hài khác như Phú Quý, Duy Phương v.v... luôn làm khán giả nhí như tôi thích thú.
Thập niên 90, không có nhiều liveshow như hiện nay, đa phần mỗi tối thứ 5 hằng tuần có chương trình kịch trên HTV "Trong nhà ngoài phố" là niềm vui giữa tuần cho khán giả truyền hình trong miền Nam này.
Tới những năm 2000, khi có chương trình gala cười, mỗi tuần 1 vở hài từ chương trình miền Bắc rồi chương trình miền Nam xen kẽ, lúc đó bắt đầu trong tôi có sự so sánh giữa hài miền Bắc và hài miền Nam. Hài miền Nam từ trước tới nay xem cái là cười ngay vì tình huống, câu từ, ngữ điệu. Ít có phải suy nghĩ tính "móc họng" "thâm thúy" trong lời nói như hài miền Bắc.
Khi xem hài miền Bắc, diễn viên chú trọng vào ngữ điệu nhấn nhá, và nội dung "nghĩa bóng gió", xem hài kịch phải động não là điều mà lúc đó tôi chưa thẩm thấu ngay. Thế rồi chương trình Táo Quân như hiện nay xuất hiện vào đêm 30 tết, mặc định là chương trình Táo Quân cả nước. Từ đó chương trình Táo Quân miền Nam dần chìm vào quên lãng, ít người coi trên truyền hình.
Cho tới nay tận 20 năm, có lẽ, chương trình Táo Quân ấy vẫn đang cố tiếp tục sống, mặc dù có những năm tôi chưa bao giờ trọn vẹn xem hết vì nhiều lý do. Thường là sáng mùng 1 tết sau khi lễ chùa về mới xem lại trên các kênh phát lại hoặc những năm gần đây là có youtube.
Phải nói rằng không ai phủ nhận công lao của các nghệ sĩ đã tạo dựng chương trình hài kịch, là món ăn tinh thần không thể thiếu cho nhân dân trong những năm qua. Cho tới hiện nay, giá trị của nó mang lại vẫn có tiếng vang trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sự cố gắng đó không đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ tự cho mình cái quyền bắt ép sự im lặng tận hưởng của khán giả mà không cho họ đánh giá khen hay chê. Người trí thường ít nói và cũng không muốn va chạm tranh luận với ai, thi ân không cầu báo, vì thi ân cầu báo là có mưu đồ.
Nếu người nghệ sĩ xem việc hy sinh cống hiến của mình là việc cần làm đã làm thì không cần phải đăng bài viết tranh luận về việc khen chê của khán giả như thế. Sống trên thế gian này, 9 người 10 ý, không thể tránh được người khen, chê, ganh ghét. Nếu biết tự tiết chế cảm xúc sân hận thì đã không tạo khẩu nghiệp. Tâm sân hận đã khởi thì lời lẽ sẽ chua cay đanh đá đậm chất "nghệ sĩ".
Vạn vật đều vô thường, rồi có lúc cũng phải theo quy luật thành trụ hoại diệt, chương trình táo quân, nếu các nghệ sĩ đã mệt mỏi, nhân dân đã không còn thích thú với món ăn cũ, thì cũng nên chăng có sự thay đổi.
Độc giả KPCS