Bài 15:
Sông Cầu "giãy chết", Sở tài nguyên báo cáo "nóng" Chủ tịch tỉnh Bắc Giang
(Dân trí) - Sau nhiều kỳ báo phản ánh của Dân trí về sự việc sông Cầu đang "giãy chết", Sở TNMT Bắc Giang đã khảo sát thực tế và vừa có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại công văn số 382/UBND-MT ngày 06/02/2020 về việc kiểm tra, giải quyết nội dung báo Điện tử Dân trí phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại khu vực hạ nguồn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn số 685/TNMT-BVMTBVMT báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Công văn cho biết: Sở TN&MT Bắc Giang đã tiến hành khảo sát thực tế nguồn nước sông Cầu, các nguồn tác động trên địa bàn tỉnh và khu vực xung quanh, xác định nguyên nhân chính làm ô nhiễm tăng cao, cá chết trên sông Cầu tại vùng hạ lưu sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang là do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh.
Sở TN&MT Bắc Giang cho biết tỉnh Bắc Ninh chưa hoàn thành các nội dung theo đề nghị của Tổng cục Môi trường
Ngày 27/02/2020, Sở TN&MT Bắc Giang đã tổ chức khảo sát thực tế và làm việc với Sở TN&MT Bắc Ninh, kết quả như sau:
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại Bắc Ninh và khu vực hạ lưu tỉnh Bắc Giang là do tác động chính từ nguồn nước thải của sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh chưa được giải quyết triệt để.
Tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê cũng như nguồn nước sông Cầu, cụ thể như: Đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Từ Sơn giai đoạn 1 công suất 33.000m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP Bắc Ninh công suất 28.000m3/ngày đêm; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp (CCN) đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong công suất 350m3/ngày đêm.
Xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê, công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, công suất 400m3/ngày đêm; hoàn thành dự án đầu tư hệ thống kè tuyến đê hữu sông Cầu; thực hiện điều tiết nước tại cửa xả trạm bơm Đặng Xá, phường Vạn An ra cửa sông Cầu; đầu tư các trạm quan trắc nước mặt tự động trên sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở xả thải trực tiếp ra lưu vực sông cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Qua kết quả khảo sát thực tế cho thấy: nguồn gây ô nhiễm nước sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) chủ yếu là do nước thải từ hoạt động sản xuất giấy của làng nghề Phong Khê và CCN Phú Lâm với lưu lượng xả thải trung bình khoảng 10.000m3 nước thải/ngày đêm.
Phần lớn lượng nước thải từ làng nghề Phong Khê được thải trực tiếp ra môi trường, chỉ có khoảng hơn 1.000m3/ngày được thu gom, xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung.
CCN Phú Lâm chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, toàn bộ nước thải xả trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê. Tại khu vực cống tiêu Đặng Xá, phường Vạn An, TP Bắc Ninh, nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê có màu đen sẫm, bốc mùi hôi thối, rác thải nổi nhiều trên kênh.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang tổ chức rà soát, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê đảm bảo công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm và triển khai giai đoạn 2 nâng công suất của nhà máy xử lý lên 10.000m3/ngày đêm; triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại CCN Phú Lâm; dự kiến triển khai Đề án chuyển đổi làng nghề, CCN Phong Khê và CCN Phú Lâm sang khu đô thị, dịch vụ thương mại (theo báo cáo số 69/BC-STNMT ngày 12/3/2020 của Sở TNMT tỉnh Bắc Ninh).
Ngày 27/02/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 521/UBND-NN.TN chỉ đạo xử lý hiện tượng cá chết trên sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh.
Qua đó cho thấy tỉnh Bắc Ninh chưa thực hiện hoàn thành các nội dung theo đề nghị tại Công văn số 4725/BTNMT-TCMT ngày 04/9/2018 của Tổng cục môi trường: chưa hoàn thành thu gom, xử lý triệt để nước thải phát sinh từ làng nghề Phong Khê và CCN Phú Lâm đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT cột A trước khi thải ra môi trường; buộc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong làng nghề Phong Khê và CCN Phú Lâm phải thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung; quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn; tổ chức thu gom, xử lý toàn bộ chất thải rắn, chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định; chấm dứt ngay tình trạng chất thải rắn vừa bãi, gây ô nhiễm môi trường...
Đề xuất Chủ tịch tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ TN&MT, tỉnh Bắc Ninh quyết liệt cứu sông Cầu
Về trách nhiệm của Sở TN&MT Bắc Giang: đã tích cực thực hiện các nội dung theo CV số 4725/BTNMT-TCMT ngày 04/92018 của Tổng cục môi trường như:
Đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 02 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo QĐ số 64/2003/QĐ-TTg, ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ là: làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà, huyện Việt Yên và làng nghề có nghề giết mổ gia súc thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên.
Thường xuyên tổ chức rà soát, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các nguồn thải trực tiếp hoặc gián tiếp xả thải ra lưu vực sông Cầu, đặc biệt là kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2018-2019, Sở TNMT Bắc Giang đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan của tỉnh thanh tra, kiểm tra 181 cơ sở, kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt 112 cơ sở với tổng số tiền phạt 11,2 tỷ đồng; Phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh tra 16 cơ sở, kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt 10 cơ sở với tổng số tiền phạt 1,86 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cử cán bộ tham gia Tổ giám sát bảo vệ môi trường với các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh BN theo QĐ số 1380/QĐ-BTNMT ngày 03/6/2019 của Bộ TNMT; tháng 11/2019 đã thực hiện khảo sát, giám sát đối với một số cơ sở tại CCN Phong Khê.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; ngăn chặn tình trạng xả rác thải, xác động vật chết ra các tuyến kênh, mương, ven sông... bố trí các tấm lưới chắn rác để thu gom, xử lý, hạn chế ô nhiễm nguồn nước sông trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình về chất lượng nguồn nước sông Cầu để kịp thời kiểm soát và khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng nguồn nước sông cầu trên địa bàn đảm bảo an toàn và phối hợp, thông tin với Sở TN&MT Bắc Ninh để giải quyết.
Từ thực tế trên, Sở TN&MT Bắc Giang đề xuất Chủ tịch tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu như nêu trên.
Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở KH&ĐT bố trí kinh phí đầu tư hệ thống quan trắc nước tự động sông Cầu để theo dõi diễn biến chất lượng nước sông; hàng năm tăng nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường cho Sở TN&MT để thực hiện quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước sông Cầu.
Chỉ đạo Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, khảo sát việc sử dụng nguồn nước sông Cầu trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời có biện pháp giải quyết và khuyến cáo đến người dân có biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi nước sông Cầu có dấu hiệu bất thường, hạn chế các ảnh hưởng xấu đến sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thỷ sản của nhân dân, doanh nghiệp liên quan.
Chỉ đạo UBND các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên và Yên Dũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về chất lượng nguồn nước sông Cầu, phối hợp với cơ quan chuyên môn và đơn vị chức năng Sở TNMT kịp thời báo cáo đến các cơ quan liên quan và khuyến cáo người dân trên địa bàn khi nguồn nước sông cầu có dấu hiệu bất thường; tăng cường công tác tuyên truyền để ổn định trật tự xã hội tại địa phương và dư luận.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Ngọc Hân