Bài 14:

Sông Cầu đang “giãy chết”, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an vào cuộc!

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí đăng tải hơn 10 kỳ báo phản ánh thực trạng đau đớn về dòng sông Cầu đang vật vã “giãy chết”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo hàng loạt các sở ngành, địa phương vào cuộc.

Yêu cầu công an xử lý nghiêm doanh nghiệp đổ thải, bức tử sông Cầu

Ngày 27/2, UBND tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 521/UBND NN-TN do ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng ký về việc xử lý hiện tượng cá chết trên sông Cầu. Công văn cho biết, xét đề nghị của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh về tình trạng ô nhiễm sông Cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu: 

Sở NN&PTNT tiếp tục có giải pháp điều tiết nước tại cống Đặng Xá (Vạn An) đảm bảo nước mặt sông Cầu trong giới hạn cho phép để sử dụng cho các trạm nước sạch phục vụ nhân dân địa phương.

Yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh tăng cường trình sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, báo cáo kết quả hàng tháng với Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

Sông Cầu đang “giãy chết”, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an vào cuộc! - 1
Sông Cầu đang “giãy chết”, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an vào cuộc! - 2

Sở TN&MT Bắc Ninh báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh về tình trạng ô nhiễm sông Cầu.

UBND TP Bắc Ninh phải sớm hiệu chỉnh giai đoạn I của hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê để đảm bảo xử lý nước thải tăng công suất thiết kế và quy chuẩn môi trường.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu TP Bắc Ninh phải thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường của làng nghề để yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết đấu nối toàn bộ nước thải phát sinh và nộp tiền xử lý nước thải theo quy định; Tổ chức thu phí xử lý nước thải của các cơ sở đấu nối với hệ thống nước thải tập trung, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải một cách có hiệu quả; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

UBND TX Từ Sơn tiếp tục triển khai giai đoạn II dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải TX Từ Sơn (xử lý nước thải cho các làng nghề, CCN trên địa bàn).

UBND huyện Tiên Du phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, yêu cầu các cơ sở đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn Việt Nam hiện hành; Đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho CCN Phú Lâm đảm bảo nước thải nầày phải được xử lý đúng quy định.

Cùng đó, các sở ngành theo chức năng kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy, xây dựng… Tiến hành đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật.

Sông Cầu đang “giãy chết”, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an vào cuộc! - 3

Sông Ngũ Huyện Khê, nơi đổ ra sông Cầu, đã hoàn toàn trở thành một dòng sông chết.

Trước đó, ngày 24/2, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Theo phản ánh của người dân, hiện tượng nước sông Cầu có màu đen và cá chết diễn ra từ ngày 18/2 và nặng nhất vào ngày 20-21/2/2020.

Nỗ lực giải cứu sông Cầu đang được thực hiện ra sao?

Để làm rõ hơn thực trạng ô nhiễm và các nỗ lực giải cứu dòng sông Cầu đang “giãy chết” của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Đại Đồng - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Với chiều dài 288 km, lưu vực sông Cầu gồm địa giới 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương) và một phần Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội diễn ra khá nhanh, cùng với tốc độ đô thị hóa cao, sự mở rộng các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tại 06 tỉnh trong lưu vực là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt lưu vực sông Cầu. Vì vậy để giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 về phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu (Đề án sông Cầu).

Sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có chiều dài 69 km, đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội và là nguồn dự trữ, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Bắc Ninh. Tại Bắc Ninh, sông Cầu hiện đang tiếp nhận nguồn nước từ các phụ lưu chính là sông Ngũ Huyện Khê, kênh Kim Đôi và sông Tào Khê.

Trước thực trạng dòng sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Ngũ Huyện Khê như: Tiến hành thanh tra toàn diện đối với 60 cơ sở sản xuất trong CCN Phong Khê 1 và 32 cơ sở sản xuất trong CCN Phú Lâm. Qua thanh tra, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 cơ sở sản xuất với tổng số tiền xử phạt trên 5 tỷ đồng, đặc biệt đã ban hành 06 Quyết định đình chỉ sản xuất và tổ chức thực hiện 02 Quyết định cưỡng chế bằng hình thức cắt điện.

Sông Cầu đang “giãy chết”, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an vào cuộc! - 4
Sông Cầu đang “giãy chết”, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công an vào cuộc! - 5

Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du - Bắc Ninh), một trong những thủ phạm ngày đêm "bức tử" sông Cầu.

Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Cầu với kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như:

Đối với nước thải sinh hoạt: Đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Từ Sơn giai đoạn 1 với công suất 33.000 m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh công suất 28.000 m3/ngày đêm;

Đối với nước thải công nghiệp: Có 9/10 KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn KCN Hanaka đang tiến hành đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2020.

Đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong với công suất 350m3/ngày.đêm; hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Tân Chi với công suất 1.500m3/ngày.đêm; Công ty Cổ phần Môi trường xanh Kinh Bắc đang triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại CCN Phú Lâm công suất 4.500m3/ngày.đêm.

Đối với nước thải y tế: Đã đầu tư xây dựng 15 hệ thống xử lý nước thải các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với tổng công suất xử lý 1.500 m3/ngày đêm.

Đối với nước thải làng nghề: Đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, công suất giai đoạn I là 5.000 m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh với công suất 400 m3/ngày.đêm.

Theo ông Đồng, sau khi triển khai các giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường các nguồn thải ảnh hưởng đến sông Cầu, đến nay cơ bản đã xử được các nguồn thải trên sông Tào Khê, kênh Kim Đôi và nước thải sinh hoạt của thị xã Từ Sơn thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Tuy nhiên, dù đã tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải làng nghề, CCN Phong Khê nhưng hiệu quả xử lý chưa cao do nước thải từ làng nghề, CCN Phong Khê phát sinh nhiều, thành phần ô nhiễm phức tạp cần công nghệ xử lý hiện đại, chi phí đầu từ lớn.

Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân, các cơ sở trong làng nghề, CCN làng nghề chưa cao nên việc vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn.

Việc triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại CCN Phú Lâm công suất 4.500m3/ngày đêm còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.

Ông Đồng cũng cho biết thêm, hiện nay, pháp luật không cho phép cưỡng chế các cơ sở gây ô nhiễm môi trường bằng hình thức ngừng cung cấp điện dẫn đến việc kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế