Bài 28:

Sông Cầu đang "giãy chết": Bộ Nông nghiệp tiếp tục ra "tối hậu thư"

Anh Thế

(Dân trí) - Báo Dân trí đã có gần 30 kỳ báo phản ánh tình trạng sông Cầu đang "giãy chết". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tiếp tục có chỉ đạo nóng đề nghị tỉnh Bắc Ninh thực hiện.

Theo đó, ngày 25/2, Bộ NN&PTNT có Công văn số 1137/BNN-TCTL do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp ký gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xử lý vi phạm sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.

Công văn cho biết: Sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống là công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Bộ NN&PTNT phân giao nhiệm vụ quản lý cho UBND tỉnh Bắc Ninh (tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ NN&PTNT).

Sông Cầu đang giãy chết: Bộ Nông nghiệp tiếp tục ra tối hậu thư - 1

Bộ NN&PTNT có công văn đề nghị tỉnh Bắc Ninh phải vào cuộc ngay trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của địa phương cũng như các đơn vị truyền thông cho thấy việc quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Đuống còn một số tồn tại: Nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt…; đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê 1, Phong Khê 2 (thành phố Bắc Ninh).

Để bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật có liên quan, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh cũng được yêu cầu có biện pháp buộc các doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xả thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi Bắc Đuống. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh rà soát tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi Bắc Đuống, xử lý nghiêm vi phạm đối với tổ chức, các nhân liên quan do hoạt động xả nước thải không đúng quy định pháp luật vào hệ thống công trình thủy lợi.

Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện các nội dung trên, tỉnh Bắc Ninh báo cáo về Bộ NN&PTNT (qua Tổng cục Thủy lợi) trước ngày 5/3.

Sông Ngũ Huyện Khê đổ thẳng nguồn nước đen đặc được thải từ các cơ sở sản xuất ra sông Cầu trong suốt một thời gian dài chính là nguyên nhân khiến sông Cầu "giãy chết".

Sông Cầu đang giãy chết: Bộ Nông nghiệp tiếp tục ra tối hậu thư - 2

Sông Ngũ Huyện Khê, kẻ đầu độc sông Cầu, đã trở thành một dòng sông chết.

Sông Cầu đang giãy chết: Bộ Nông nghiệp tiếp tục ra tối hậu thư - 3

Một trong những thủ phạm giết chết cả sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.

Trước đó, Bộ TN&MT cũng vừa có Công văn số 757/BTNMT-TCMT do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra khu vực xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang.

Công văn của Bộ TN&MT cũng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra đột xuất xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp (CCN) Phong Khê và CCN Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; xử phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm.

Công văn của Bộ TN&MT cho biết Bộ dự kiến sẽ tổ chức buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND Bắc Ninh, UBND Bắc Giang (thời gian dự kiến vào đầu quý II/2021) để trao đổi về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê.

Tổng cục Môi trường sẽ thanh tra đột xuất đối với các cơ sở do Bộ TN&MT cấp giấy phép về môi trường, các cơ sở còn lại do địa phương thực hiện.

Bộ TN&MT khẳng định: Đối với các trường hợp không đấu nối nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung hoặc không đóng phí xử lý nước thải, buộc đầu tư công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc dừnghoạt động.

Sông Cầu đang giãy chết: Bộ Nông nghiệp tiếp tục ra tối hậu thư - 4
Sông Cầu đang giãy chết: Bộ Nông nghiệp tiếp tục ra tối hậu thư - 5

Hàng vạn người dân sống 2 bên hạ lưu sông Cầu đang khẩn thiết kêu cứu trước tình trạng ô nhiễm khủng khiếp.

Tháng 2/2020, thời điểm còn giữ cương vị Giám đốc sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, ông Lưu Xuân Vượng đã có những giãi bày "đau đớn" với PV Dân trí về thực trạng ô nhiễm đau xót của sông Cầu: "Tôi cũng mong muốn Báo Dân trí vào cuộc đưa thông tin thế nào để tỉnh Bắc Ninh vào cuộc. Họ làm sao phải chấm dứt được đầu nguồn gây ô nhiễm bằng cách di dời, chuyển đổi những khu vực tái chế phế liệu đang ngày đêm xả thải ra sông Cầu. Việc này tồn tại lâu như vậy, rõ như vậy mà tại sao họ lại không có giải pháp gì? Hay họ có giải pháp mà chúng tôi không biết?

Họ gây ô nhiễm môi trường đến tận cửa nhà mình rồi. Người dân mình bị ảnh hưởng rồi thế các ông không có cách gì à?", có người hỏi chúng tôi như thế. Và họ hỏi đúng nhưng chúng tôi đã làm hết cách của chúng tôi rồi. Thật đau xót. Nhưng gây ô nhiễm từ CCN Phú Lâm, từ dòng Ngũ Huyện Khê tại tỉnh Bắc Ninh thì chúng tôi không có thẩm quyền xử lý".

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.