Hà Nội:
Số phận hàng chục gia đình tổ 57 phường Dịch Vọng bị “bỏ quên”
(Dân trí) - Chưa trả lời những thắc mắc của công dân tổ 57 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy về quyền lợi khi thu hồi đất phục vụ dự án nhà ở, Công ty Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội đã lên kế hoạch kê khai khiến 11 gia đình hoang mang, bức xúc.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 7/11/2012, ông Phạm Chí Công, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ký công văn số 8884/UBND - TNMT gửi UBND quận Cầu Giấy truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đối với vụ việc báo Dân trí nêu. Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Cầu Giấy kiểm tra, làm rõ vụ việc, có văn bản trả lời các hộ dân, thông tin cho báo Dân trí được biết và báo cáo kết quả về UBND Thành phố.
Khi những thắc mắc của công dân chưa được giải đáp, ngày 12/7/2013, UBND phường Mai Dịch đã gửi thông báo kê khai, điều tra hiện trạng đến các hộ dân nằm trong ranh giới xây dựng dự án chung cư lô C - Khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng. Trước đó, ngày 4/5/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc Công ty Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội (chủ đầu tư dự án) đề nghị điều chỉnh quy hoạch xuống 15 tầng, thay vì 22 tầng như ban đầu.
Theo phản ánh của các hộ dân, chủ đầu tư đã viện dẫn 4 văn bản pháp lý để chứng minh việc GPMB là không sai, bao gồm: Nghị định 197/2004 của Chính phủ; Nghị định 69/2009 của Chính phủ; Nghị định 108/2009 của UBND TP. Hà Nội và Quyết định 02/2013 của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, 11 hộ gia đình cho rằng những văn bản nói trên đều không phù hợp với việc thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng nhà ở thương mại (kinh doanh) là chung cư lô C - Khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng.
Cụ thể, phạm vi điều chỉnh Nghị định 197/2004 của Chính phủ không có mục thu hồi đất xây dựng nhà ở thương mại. Nghị định 69/2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất thu hồi, tái định cư chỉ áp dụng với các đối tượng bị thu hồi theo Điều 8, Nghị định 197/2004 nên không liên quan đến việc thu hồi đất xây dựng nhà ở thương mại. Hai văn bản còn lại là Nghị định 108/2009 của UBND TP. Hà Nội và Quyết định 02/2013 của UBND TP. Hà Nội cũng không liên quan đến việc thu hồi đất xây dựng nhà ở và kinh doanh.
Theo những tài liệu PV thu thập được, khu tập thể giáo viên tổ 57 hình thành từ cuối năm 1990, các gia đình đều có quyết định cấp đất của Chủ tịch UBND xã Dịch Vọng. Theo quyết định phân đất số 24/QĐ-UB ngày 10/12/1990, cả xã có 16 hộ gia đình được cấp đất, trong đó có 8 hộ được cấp đất tại tổ 57 gồm: Phan Đăng Tiện, Phạm Đức Hy, Vũ Thị Liên, Bùi Thị Phiến, Đặng Thị Kim Thoa, Phạm Thị Kim Liên, Hoàng Thị Bản, Triệu Đức Thâm.
Đến ngày 31/1/1991, UBND xã Dịch Vọng tiếp tục ký quyết định cấp đất cho 2 cán bộ khác là Lê Văn Thư, Vũ Đức Ngân. Ngày 17/11/1992, UBND xã Dịch Vọng ban hành thêm quyết định cấp đất cho ông Nguyễn Minh Yến.
Vào các năm 1997 và 2003, các hộ gia đình khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng nộp đơn đề nghị UBND phường Dịch Vọng làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, bởi đây là khối tài sản hợp pháp của các hộ và được nhà nước công nhận. Nhưng mong muốn của các hộ dân đã không được chính quyền sở tại giải quyết với lý do, khu nhà tập thể các hộ dân đang ở nằm trong dự án đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng.
Nhận được thông tin, các hộ dân khu tập thể giáo viên tổ 57 mới đi tìm hiểu thông tin dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng được TP. Hà Nội phê duyệt vào ngày 14/8/2000. Trong dự án được phê duyệt, Công ty Kinh doanh nhà số 3 thuộc Sở Địa chính nhà đất Hà Nội, nay chuyển thành Công ty Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng. Thời gian hoàn thành dự án được quy định kéo dài từ quý IV/2000 đến quý IV/2005.
Cho đến nay, dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng đã quá hạn gần 10 năm so với mốc thời gian TP. Hà Nội phê duyệt. Trong quá trình thỏa thuận, chủ đầu tư không đưa ra chế độ hỗ trợ, bồi thường, tái định cư đúng theo quy định nhà nước, mặc dù 11 hộ gia đình tổ 57 đều có quyết định cấp đất của Chủ tịch UBND xã Dịch Vọng trước đây.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương